Đó là những thành tích rất đáng ngưỡng mộ của số người trong số 256 giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn. Tiếc rằng, họ đang đứng trước nguy cơ… thất nghiệp.
Khi tìm hiểu, gặp gỡ với 256 giáo viên hợp đồng dạy THCS, Tiểu học ở huyện Sóc Sơn đang đứng trước nguy cơ mất việc, chúng tôi thật sự ngưỡng mộ với hàng loạt thành tích, hàng chục cái nhất mà họ đạt được sau hàng chục năm cống hiến, gắn bó với giáo dục huyện nhà. Đáng tiếc thay, số phận cầm phấn của họ đang bấp bênh hơn bao giờ hết. Có thể một ngày gần nhất, những giáo viên luôn dẫn đầu ngành giáo dục huyện Sóc Sơn sẽ phải rời mái trường thân thương, bươn chải kiếm việc làm mới.
Nói đến ngành giáo dục ở Sóc Sơn, hầu hết ai cũng biết cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên dạy tiếng Anh tại trường Tiểu học Thanh Xuân A (Sóc Sơn). Bởi cô Huyền là người rất giỏi tiếng Anh, 3 năm liên tục là chiến sĩ thi đua, đạt giải 2 cấp huyện giáo viên dạy giỏi và đặt biệt, năm 2013, cô Hiền là giáo viên khối tiểu học duy nhất của huyện Sóc Sơn đạt chuẩn 10/10 tiếng Anh tham chiếu châu Âu. Thế nhưng, ít ai biết rằng, cô Hiền vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng với huyện. 20 năm gắn bó với giáo dục huyện nhà, 3 lần tham dự thi tuyển viên chức, nhưng không hiểu vì lý do gì, cô Hiền vẫn chưa được vào biên chế.
“Trước giờ người ngoài nhìn mình với ánh mắt ngưỡng mộ và không ai nghĩ mình là giáo viên hợp đồng của huyện. Cho đến khi sự việc 256 giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn có nguy cơ bị sa thải, bạn bè anh em mới biết. Từ ngưỡng mộ họ chuyển sang nhìn mình bằng ánh mắt thương hại…”, cô Hiền xót xa nói.
Xem clip cô giáo Nguyễn Thị Minh Phương gạt nước mắt chia sẻ với PV Báo PNVN:
26 năm trong nghề, cô giáo Lê Thị Thu Nguyệt cũng là người có nhiều thành tích đáng nể ở ngôi trường THCS Minh Phú đầy khó khăn. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cô Nguyệt tình nguyện gắn bó với mảnh đất Sóc Sơn bằng hợp đồng với UBND huyện. “Trong 26 năm công tác, bản thân tôi từng phấn đấu là tổ trưởng chuyên môn; gần chục năm liên tiếp đạt danh hiệu Lao động giỏi cấp huyện và Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; 7 năm liên tục có sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố. Những thành tích này là những minh chứng cho sự nỗ lực hết mình, cũng như minh chứng cho năng lực chuyên môn của tôi”, cô Nguyệt nghẹn ngào nói.
Thế nhưng, ở cái tuổi ngấp nghé về hưu, cô Nguyệt cũng giống như nhiều giáo viên hợp đồng khác ở Sóc Sơn, đang tham gia một cuộc thi thiếu tình, đuối lý, khi tham gia cuộc thi đó, các cô biết mình không có cơ hội vượt qua.
Là cô gái sinh ra trong gia đình có điều kiện ở nội thành Hà Nội, cơ hội việc làm ở trung tâm thành phố mở rộng thênh thang, nhưng cô gái trẻ Nguyễn Thị Minh Phương lại quyết định cho mình một ngã rẽ của cuộc đời. Xách ba lô lên đến với vùng đất khó khăn nhất của thành phố. “23 năm trước, khi tôi đến nhận nhiệm vụ, các anh ở xã còn huy động người làm lán cho cô giáo ở nội trú. Chính tình người, tình học trò đã giữ chân tôi ở lại đó suốt 23 năm qua. Nào ngờ…”, cô Minh Phương xót xa nói.
Cô Phương là giáo viên duy nhất của huyện Sóc Sơn lọt vào top 156 người đạt sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố. “Trước đây, sáng kiến kinh nghiệm do Sở GD&ĐT thẩm định thì có nhiều giáo viên đạt, nhưng khi chuyển sang Sở KH&CN thẩm định thì số lượng ngày càng ít đi. Tôi được đứng cùng danh sách với nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu của thành phố nên cũng vinh dự. Nhưng rồi có để làm gì đâu…”, cô Phương gạt nước mắt nói.
Vừa mới sinh con nhỏ, vẫn đang trong giai đoạn nghỉ thai sản, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Oanh – giáo viên trường THCS Nguyễn Du vẫn miệt mài ôn tập và tham dự kỳ thi giáo viên giỏi cấp thành phố năm 2019. 8 năm về dạy ở trường, thành tích của một giáo viên trẻ như cô Oanh khiến nhiều người thán phục. Năm 2014, cô Oanh đạt giải nhì giáo viên giỏi cấp huyện. Năm 2018, cô giáo này đạt giải nhất giáo viên giỏi cấp huyện và vinh dự 1 trong 2 giáo viên của huyện tham dự giáo viên giỏi cấp thành phố.
Cô Hiền, cô Nguyệt, cô Phương, cô Oanh… người nhiều thì 26 năm công tác, người ít cũng đã 8 năm gắn bó. Thành tích mà các cô đạt được khiến nhiều giáo viên trong diện biên chế phải ngưỡng mộ. Thế nhưng, các cô và gần 300 giáo viên hợp đồng khác của huyện Sóc Sơn đang đứng trước nguy cơ phải ra đường trong kỳ thi tuyển viên chức sắp tới.
“Bắt những giáo viên gắn bó hàng chục năm, sắp đến tuổi về hưu quay lại thi tuyển viên chức vào ngành thì quá bất công. Nếu chúng ta liên tưởng sự nghiệp giáo dục là một con đèo, chúng tôi đã leo từ chân đèo đến gần đỉnh thì giờ đây UBND thành phố và UBND huyện lại yêu cầu chúng tôi trở lại xếp hàng chạy đua cùng các cháu từ dưới chân đèo”, cô giáo Lê Thị Thu Nguyệt chua xót nói.
256 giáo viên, theo đó là 256 gia đình với hàng trăm nhân khẩu đang đứng trước nguy cơ rơi vào khó khăn, quẫn bách. Gắn bó, cống hiến, hy sinh của họ là điều không thể phủ nhận, lẽ nào cái giá mà họ nhận được sau bao nhiêu năm là bi kịch, là thất nghiệp?
Không có chuyện giáo viên gắn bó hàng chục năm phải thất nghiệp Đó là cam kết của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về “số phận” của 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn. Trả lời báo chí, ông Chung cho biết, hiện thành phố mới chỉ có chủ trương để tuyển và đang xây dựng tiêu chuẩn. Nhưng không có chuyện giáo viên đang làm có thâm niên 20 hay 27 năm mất việc. |