Thanh Trì, Hà Nội: Người dân bị đánh, chính quyền thờ ơ?

27/12/2018 - 11:28
Từ một bức tường cũ không được giải tỏa đúng quy định đã dẫn đến việc người dân xảy ra mâu thuẫn, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở địa phương. Sự việc mặc dù đã trình báo đến cơ quan chức năng, nhưng nhiều ngày trôi qua, chính quyền vẫn không có động thái gì để giải quyết.

Đã bồi thường nhưng “không thèm” giải tỏa?

Theo tố cáo của chị Triệu Thị Phúc, ở số nhà 8, đường 25m Tân Triều Mới, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, từ năm 2016, Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông từ làng nghề Tân Triều đi vào khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông. Đến nay tuyến đường đã cơ bản hoàn thành, việc đi lại của bà con nhân dân thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

 

a7.jpg
Chị Phúc với những vết thương trên mặt sau khi bị đánh

 

Toàn tuyến đường gần như đã được đưa vào sử dụng, vỉa hè rộng rãi, sạch sẽ. Tuy nhiên, còn lại một đoạn trước mặt gia đình chị vẫn tồn tại một bức tường 110, cao khoảng 2m và dài 10m nằm dọc giữa vỉa hè (thuộc phần diện tích vỉa hè đã được Nhà nước bồi thường để giải phóng mặt bằng làm đường).

Nguồn gốc bức tường thuộc sở hữu của gia đình bà Nguyễn Thị Mậu. Tuy nhiên, không hiểu lý do tại sao khi thực hiện giải phóng mặt bằng, Ban dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì và chính quyền địa phương không thực hiện phá bỏ để tạo không gian cho vỉa hè thông thoáng.

Bức tường này xây dựng đã lâu, nằm giữa vỉa hè không có trụ đỡ nên rất chênh vênh và có thể đổ bất kỳ lúc nào. Trước tình hình đó, chị Phúc cùng một số các hộ gia đình xung quanh đã nhiều lần có đơn gửi UBND xã Tân Triều, UBND huyện Thanh Trì đề nghị tháo dỡ bức tường và lát phần vỉa hè còn lại để không làm nguy hiểm cho các hộ dân sống gần đó. Vậy nhưng, đã mấy năm trôi qua, chính quyền xã Tân Triều vẫn không có động tĩnh gì.

Theo thông tin chúng tôi được  biết, UBND huyện Thanh Trì đã có công văn yêu cầu UBND xã Tân Triều xử lý giải quyết, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy có bất kỳ động thái nào từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, chị Phúc nói.

a5.jpg
Bức tường bị đổ nghiêng dựa vào chiếc xe công nông sau trận mưa đêm 10/12

Đêm 10/12/2018, rạng sáng ngày 11/12/2018, trời có mưa bão kèm gió to. Đến sáng ngày 11/12/2018, gia đình chị Phúc và những người dân xung quanh dậy thì thấy bức tường đã đổ nghiêng dựa vào chiếc xe công nông đỗ cạnh.

Ngay buổi sáng này 11/12/2018, một số hộ dân đã báo Thanh tra xây dựng xã Tân Triều xuống làm việc về bức tường bị đổ. Theo đó, có cán bộ Thanh tra xã Tân Triều tên là Trần Anh đã đến hiện trường chụp ảnh hiện trạng nhưng không lập biên bản và nói với người dân là cứ lấy xe công nông sử dụng bình thường.

Khi người dân lấy xe công nông ra khỏi thì bức tường đã đổ hoàn toàn.

Vô cớ đánh người, chính quyền thờ ơ

Khi biết chuyện tường đổ, bà Mậu liền đưa người và trực tiếp đến nhà chị có hành vi đe dọa dùng bạo lực đối với chị với lý do vô lý là chị Phúc đẩy đổ tường nhà bà, trong khi đó toàn bộ dân cư khu vực đều thấy sau một đêm mưa bão, bức tường cũ, chênh vênh đã tự đổ.

a2.jpg
Hiện tại, bức tường đã sập đổ hoàn toàn, để lại cảnh nhem nhuốc trên một con đường mới và đẹp

Đơn của chị Phúc viết: “Nghiêm trọng nhất và khoảng 9h30 ngày 17/12/2018, bà Nguyễn Thị Mậu sang nhà tôi và dùng những lời lẽ xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự của tôi. Bà Mậu bịa đặt rằng chính tôi là người phá dỡ bức tường này. Sau đó, bà Mậu đã dùng 01 chiếc điếu cày và 01 ghế nhựa đập vào mặt và đầu của tôi. Sự việc được camera ghi hình lại toàn bộ hành vi côn đồ, cố ý gây thương tích của bà Nguyễn Thị Mậu.

Ngày 19/12/2018, bà Mậu tiếp tục đưa người đến dùng những lời lẽ đe dọa, lăng mạ, xỉ nhục nhân phẩm và danh dự của tôi, làm tôi luôn ở trong tình trạng lo lắng, hoảng sợ là bà Mậu có thể sử dụng bạo lực để đánh tôi bất kỳ lúc nào.

Bức tường cao 2m, dài 10m chênh vênh giữa vỉa hè có thể đổ bất kỳ lúc nào, dù đã nhận được đơn thư của chúng tôi nhưng toàn bộ những có quan chức năng của huyện Thanh Trì, xã Tân Triều đều ngó lơ. Sau đêm ngày 10/12/2018, có mưa lớn kèm gió giật mạnh, bức tường tự đổ vào chính xác thời điểm nào tôi không được biết rõ.

Hành vi của bà Nguyễn Thị Mậu đã rõ ràng là vu khống, đe dọa và cố ý gây thương tích cho tôi. Những ngày gần đây tôi luôn trong trạng thái hoảng sợ bởi những lời lẽ đe dọa của bà Mậu, không những thế vết thương do bà Mậu đánh tôi vẫn gây đau nhức, ám ảnh”...

Để xác minh làm rõ những thông tin tố cáo của chị Phúc và một số người dân, chiều 21/12/2018, phóng viên đã mang theo giấy giới thiệu, thẻ Nhà báo đến liên hệ làm việc với UBND xã Tân Triều. Tuy nhiên, sau khi phô tô lại giấy tờ của phóng viên, vị cán bộ Văn phòng UBND xã Tân Triều tên Thu không cho biết lịch làm việc cụ thể, mà yêu cầu phóng viên liên hệ với ông Đặng Ngọc Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã.

Ngay sau đó, phóng viên đã gọi điện cho ông Quyền thì ông cho biết đang bận họp. Đến ngày 24/12, phóng viên gọi lại cho ông Quyền để hỏi lịch làm việc cụ thể thì ông cho biết xã đang chuẩn bị giao ban và sẽ bố trí cán bộ liên lạc lại với phóng viên ngay sau buổi họp.

Tuy nhiên, đã 4 ngày trôi qua, vẫn không có bất cứ một động tĩnh gì từ phía UBND xã Tân Triều.

Được biết, ngay sau khi bị đánh, chị Phúc đã trình báo với Ban Công an xã Tân Triều và cán bộ công an xã cũng đã ghi lại lời trình báo của chị. Vậy nhưng, từ đó đến nay, họ vẫn chưa có bất cứ động thái gì để vào cuộc.

Tại sao một bức tường đã được đền bù nhưng chính quyền địa phương mãi không chịu giải tỏa dù đã có chỉ đạo từ phía UBND huyện Thanh Trì? Chính vì sự chậm trễ đó của chính quyền đã dẫn đến việc người dân mâu thuẫn với nhau, gây mất an ninh, trật tự của địa phương.

Bên cạnh đó, tại sao việc chị Phúc bị đánh đã trình báo với Công an xã, nhưng họ vẫn không có động thái gì để xác minh, xử lý người có hành vi côn đồ? Phải chăng họ đang có ý bao che cho kẻ vô cớ hành hung người khác?

PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm