Thanh Tùng - người đi thơ còn lại

13/09/2017 - 20:55
Rất nhiều lần, khi tôi ghé qua con hẻm 24 Phạm Ngọc Thạch, thấy thi sĩ chuẩn bị ra phố, đều hỏi: “Ông Tùng đi đâu vậy?”. Lần nào cũng như lần nào, nhà thơ Thanh Tùng đều cười: “Tôi đi hỏi cưới vợ đây!”
12235347_10206638830663020_1846118357_o.jpg
Thi sĩ Thanh Tùng - "như một chàng trai say tìm các cô gái". Ảnh: Minh Thiện

 


Thời còn đi đứng khỏe mạnh, “công việc” hàng ngày của nhà thơ Thanh Tùng là phụ giúp con gái trông coi tiệm spa. Mỗi sáng, sau khi “bàn giao” tất tật mọi thứ rất cẩn thận cho các nhân viên, là thi sĩ lại lang thang ra phố, “như một chàng trai say tìm các cô gái”.

Nhà thơ Thanh Tùng có cuộc đời trắc trở giống như cuộc đời của mỹ nhân, có thể do chữ nghĩa vận vào người một cách oan trái nhất. Thời trai trẻ, Thanh Tùng làm thợ khuân vác, bán sách báo ngoài vỉa hè, đi áp tải hàng… Ông yêu thương người phụ nữ xinh đẹp, hạnh phúc chấp nhận bà đã có 3 người con riêng với người chồng cũ. Ông bà sinh được 2 người con, đủ trai lẫn gái.

Làm các công việc mưu sinh vất vả, tiền bạc kiếm được chẳng là bao, lại do “giời bắt làm thi sĩ”, nên cuộc sống hôn nhân của Thanh Tùng không hạnh phúc. Vợ ông đi theo người khác tới Quảng Ninh, bỏ lại cha con ông vơ vất ở Hải Phòng. Thanh Tùng gà trống nuôi con, vẫn mang trong trái tim suốt đời tình yêu đối với người phụ nữ ấy. Mối tình vừa lãng mạn vừa đau đớn này đã cho ông niềm cảm hứng để sáng tác rất nhiều bài thơ để đời.

Hơn 20 năm trước, nhà thơ Thanh Tùng tạm biệt Hải Phòng để vào Sài Gòn. Đi cùng ông là cô con gái Lan Hương. Ông dồn nhiều tình cảm của mình vào cuộc sống vui buồn của con. Sau này, dù được bạn bè mai mối cho 1 người phụ nữ khác, nhưng cuối cùng ông vẫn về ở với con gái, để chăm sóc cháu ngoại cho con gái yên tâm đi làm.

12218276_10206638808302461_1304375372_o.jpg
Thi sĩ Thanh Tùng cùng căn nhà gỗ đầy thơ mộng. Ảnh: Minh Thiện

 

Thời khốn khó dần qua, khi cô con gái gầy dựng sự nghiệp vững vàng. Và những năm cuối đời thì Thanh Tùng đã ngửa mặt cả cười. Thương bố một đời lận đận, con gái ông đã cất riêng tặng bố một căn nhà bằng gỗ thông ngay trong khuôn viên villa nằm ngay đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3. Ở giữa mùi sả chanh thơm ngào ngạt đặc thù của tiệm spa, giữa khung cảnh yên bình của con hẻm, tác giả của những câu thơ đậm chất nhạc: Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao. Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng, đã thưởng thức cuộc đời bằng cách riêng rất thi sĩ của mình. “Tôi sáng nghe tiếng chim hót trên cây, trưa nhìn nắng vàng ngoài ngõ, chiều ngắm hoa rơi xuống đường”, nhà thơ Thanh Tùng đã từng chia sẻ.

Rất nhiều lần, khi tôi ghé qua con hẻm 24 Phạm Ngọc Thạch, thấy thi sĩ chuẩn bị ra phố, đều hỏi: “Ông Tùng đi đâu vậy?”. Và lần nào cũng như lần nào, Thanh Tùng đều cười: “Tôi đi hỏi cưới vợ đây!”.

Nhà thơ Thanh Tùng là người hồn hậu, đáng yêu và tinh tế. Ông đã rời xa cõi tạm, để lại biết bao nhiêu niềm thương nhớ đối với người thân và bạn hữu xung quanh. Các tác phẩm của ông, còn lại mãi trong tình cảm và trái tim của người hâm mộ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm