Thắp niềm tin từ đôi chân tật nguyền của cặp vợ chồng giàu nghị lực

11/02/2018 - 09:19
Mỗi khi nghĩ về quãng đời đầy chông gai đã đi qua, anh Nguyễn Trần Khiêm (SN 1966, ở thôn Tân Quang, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) lại muốn cảm ơn cuộc sống đã trui rèn cho anh một ý chí sắt đá, tinh thần không khuất phục số phận.
Gian nan học và tìm việc

Anh Khiêm bị liệt từ nhỏ, cứ lê lết chứ không đi lại được, lên 7 tuổi thì cha mất. Lúc nhỏ, Khiêm cũng đòi mẹ cho đi học. Không hy vọng nhiều nhưng muốn con mình hòa nhập với bạn bè, hằng ngày trước khi ra đồng, người mẹ cõng con đến lớp. Không ngờ Khiêm rất sáng dạ.
a3.jpg
Anh Khiêm hạnh phúc bên vợ

Thấy con học được, người mẹ nghèo quyết chí chăm cho con học đến cùng. Lên vài lớp, Khiêm tự đi được với đôi nạng bé xíu. “Giải thoát” cho cái lưng gầy gò của người mẹ là niềm vui của Khiêm. Đi nạng mỏi, Khiêm lết. Cứ thế 12 năm học phổ thông nhọc nhằn trôi qua, Khiêm thường xuyên đạt học sinh giỏi và thủ khoa môn Văn (9 điểm) khi thi tốt nghiệp THPT.

Tốt nghiệp THPT, Khiêm mất gần 7 năm để viết và gửi hồ sơ dự thi đại học đến gần như tất cả các trường đại học, cao đẳng trên cả nước với niềm khao khát cháy bỏng, song đều không được chấp nhận. Tinh thần hiếu học và sự kiên nhẫn của anh cuối cùng đã được đền đáp, anh được chấp nhận thi và trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng khi đã hơn 30 tuổi.

Anh đang học năm cuối thì mẹ bị bệnh mất, chàng sinh viên nghèo mồ côi không gục ngã. Anh làm gia sư, đánh máy vi tính để tự nuôi sống mình. Có chú sửa đồng hồ gần nhà trọ thấy thương quá nên gọi cậu sinh viên nghèo đến truyền nghề. Từ đó, anh có nghề mới mưu sinh để tiếp tục học.

Năm 1997, Khiêm  tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tử - tin học, rồi lại phải mất thêm 5 năm cho hành trình xin việc. Với đôi chân teo tóp vì sốt bại liệt, anh đã gõ cửa không biết bao nhiêu cơ quan, công ty từ Bắc vào Nam, rồi lên tận Tây Nguyên.

Sau những mỏi mệt, gian nan của chặng đường đi học và tìm việc, anh Khiêm trở về địa phương. Cùng với kiến thức những năm học đại học ngành điện tử - tin học và sự sáng dạ về công nghệ - kỹ thuật, anh nhận sửa chữa máy móc, đồ điện. “Tôi nghĩ mình phải làm điều gì đó để kiếm sống, không thể lãng phí kiến thức học được vì đó là mồ hôi và nước mắt của mẹ, của chính mình”, anh Khiêm tâm sự.
 
Chia sẻ kế sinh nhai cho người khuyết tật

Dành dụm được bao nhiêu tiền, anh Khiêm mua khi thì thanh Ram, lúc con chuột, rồi bàn phím... Gom góp dần đến năm 2005, anh ráp được chiếc máy tính đầu tiên. Chiếc máy tính có ổ cứng chỉ 2,5GB, thanh Ram 128MB, bật lên khi chạy khi treo nhưng nó đánh dấu mốc cho cuộc đời anh.
a4.jpg
Chị Dịu hướng dẫn người khuyết tật làm may tại nhà

“Lúc đó, nhiều người thấy tôi có máy vi tính kéo đến xem. Ban đầu chỉ vài người đến học đánh chữ, sau nhu cầu lớn dần nên tôi tìm cách sắm thêm để dạy cho họ”, anh Khiêm kể.

Sáng kiến của anh là đi mua lại máy tính ở vựa đồng nát về tận dụng, lắp ghép, sửa chữa. “Lịch sử” của nhiều chiếc máy tính ra đời trong hoàn cảnh như thế, nhưng giờ đã là một cơ sở đào tạo tin học liên kết với Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ Bình Định thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định.

Học trò của người thầy tật nguyền này đủ đối tượng, từ học sinh đến cán bộ, con em đồng bào Ba Na, H’Re, cả nông dân cũng đến học để ứng dụng công nghệ trong sản xuất.

Đối tượng đặc biệt mà anh chuyên tâm đó là những người khuyết tật. Có người không tự đi được phải cõng, thậm chí mù, câm điếc, không biết chữ... anh đều nhận. Năm 2007, anh tìm đến Hội Bảo trợ trẻ tàn tật và mồ côi tỉnh Bình Định xin thành lập Chi hội Người khuyết tật Niềm tin để có cơ sở pháp lý tìm nguồn tài trợ, tìm việc làm cho hội viên.

Kỹ năng dạy người câm điếc, người mù còn thiếu, anh đến các trung tâm bảo trợ xin tài liệu, xin tham gia các lớp tập huấn để đào tạo nghề cho họ.

“Dạy cho người mù, câm điếc rất khó, nhiều người không biết chữ, lại không nhìn thấy, không nghe được. Một số em gia đình đưa đến gửi nhưng còn tự ti hoặc bướng bỉnh, quậy phá chứ ít muốn học hay làm việc. Tuy nhiên, tôi có lợi thế là người khuyết tật, người đồng cảnh ngộ nên dễ nói với nhau hơn”, anh Khiêm chia sẻ.

Khi Chi hội Người khuyết tật Niềm tin mới ra đời, để có kinh phí mua sắm dụng cụ làm việc cho các nhóm tự lực, có thời điểm anh phải vay nợ cả trăm triệu đồng. “Điên đầu” là cách nói vắn tắt khi anh Khiêm nhắc đến giai đoạn đầu hoạt động của các nhóm tự lực.

Song, bằng sự trải nghiệm của đời mình, anh Khiêm đã tiên liệu được khó khăn này, anh vận động anh em đi tới tận nhà dân, hỏi có đồ điện hỏng hóc gì để xin sửa. Chất lượng bảo đảm, giá cả lại thấp hơn thị trường, thái độ làm việc vui vẻ của những anh thợ đặc biệt đã thuyết phục khách hàng để họ quay lại lần 2, lần 3...

“Tôi luôn nhắc nhở anh em phải giữ lời hứa, mình là người thợ, đừng lấy sự khuyết tật để vòi vĩnh, khiến khách hàng phải lăn tăn về chất lượng sản phẩm. Tôi tin, trên hành trình tự lực mà tự thân mỗi người khuyết tật khao khát nhất, khi đã khắc phục được sự tự ti, người khuyết tật trở nên rất tự trọng”, anh Khiêm chia sẻ.

Hiện nay, Chi hội Người khuyết tật Niềm tin đã có hơn 150 thành viên, với 7 nhóm tự lực gồm: điện tử - tin học, chổi đót, đan lát sợi nhựa giả mây, may gia công, mộc dân dụng, điêu khắc gỗ mỹ nghệ, ươm cây keo giống. Thu nhập bình quân của mỗi người tham gia các nhóm tự lực là hơn 1 triệu đồng/tháng.

Năm 2006, trong một lần tham gia sinh hoạt ở Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), anh Khiêm đã quen chị Nguyễn Thị Dịu (SN 1976, ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) cũng bị tật ở chân. Sau 2 năm quen nhau, 2 người quyết định đi đến hôn nhân.

Đến nay, anh chị có 2 người con, 1 trai và 1 gái. Nói về chồng mình, người vợ hiền thủ thỉ: “Anh ấy là người của công việc, suốt ngày lo cho người khuyết tật. Cảm ơn đời đã cho tôi gặp anh, bây giờ chúng tôi đã có 2 đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn - điều mà trước đây tôi chẳng bao giờ dám mơ tới!”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm