Thầy đánh trò đã sai, đánh trò nữ càng khó chấp nhận

17/02/2017 - 20:28
Nhiều phụ huynh, giáo viên xem clip thầy giáo và nữ sinh đánh nhau giữa giờ học vừa bức xúc với 'sách chiến' dữ dội giữa thầy và trò, vừa bất bình trước hành xử chưa đúng mực của thầy giáo trẻ.

Bạo lực học đường là cụm từ chưa bao giờ hết nóng khi ngày càng xuất hiện nhiều vụ thầy cô giáo đánh học sinh, gây bức xúc dư luận. Mới đây nhất là một clip ngắn ghi lại cảnh một thầy giáo trẻ dùng sách đánh vào mặt một nữ sinh ngay giữa lớp học. 

Điều đáng nói là nữ sinh này cũng không vừa khi dùng sách vở “đáp trả” lại thầy giáo, thậm chí ở mức độ dữ dội hơn. Thầy giáo lúc đầu có ý định “né” nữ sinh, song không ngờ do không giữ được bình tĩnh nên thầy không nể nang gì nữa. Nữ sinh còn dùng bút bi ở thế cố thủ trước sự tấn công của thầy giáo.

Vụ việc khiến nhiều người khi xem phải sửng sốt. Bà Nguyễn Thị Thuần (giáo viên hưu trí ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội) ngạc nhiên: “Đây gọi là một cuộc ẩu đả tay đôi hơn gọi là bạo lực học đường. Thầy trò đánh nhau, nếu không có không gian lớp học, bục giảng và đồng phục học sinh, thì tôi sẽ nghĩ đây là cảnh hai người đang “choảng” nhau. Quá bốc đồng!”.

 Thầy trò đánh nhau quyết liệt gây bức xúc dư luận. Ảnh cắt từ clip.

Theo bà Thuần, thầy giáo đánh học trò bất luận hoàn cảnh nào cũng khó chấp nhận, hơn nữa lại đánh một nữ sinh thì càng cần lên án. “Chưa rõ hoàn cảnh cụ thể của sự việc này, nhưng trong clip cả thầy và trò đều sai. Thầy hành xử thiếu bản lĩnh, thiếu phương pháp giáo dục, còn trò lại quá thiếu lễ phép. Cả hai người đều cần xem lại tư cách đạo đức của mình”.

Trong khi đó, anh Trần Văn Hưng (Q.Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, đối với học sinh cá tính, cá biệt, lại là học sinh nữ, việc thầy giáo đánh trò cho thấy kỹ năng sư phạm của thầy giáo quá yếu. “Xem clip thì thấy thầy giáo tuổi còn khá trẻ, có lẽ chưa có nhiều kinh nghiệm xử trí trí trước học sinh cá biệt khi mất bình tĩnh. Ai cũng sai, nhưng trong trường hợp này thầy đáng trách nhiều hơn", anh Hưng nêu suy nghĩ.

Từng là giáo viên dạy THPT, cô Nguyễn Hiền Thương (TP Vinh, Nghệ An) phân tích, hành xử của giáo viên trước các hành vi tiêu cực của học sinh cá biệt là cả một… nghệ thuật.

“Xem clip thấy quả là phản giáo dục khi thầy trò đánh tay đôi như bạn bè, hơn nữa lại là học sinh nữ. Trò cư xử "trẻ con" đã đành, thầy cũng "trẻ con" không kém. Tôi xem biểu hiện của các bạn khác trong lớp thì cảm giác hình như các em đã… quen với kiểu “choảng” nhau tương tự nên chẳng ai ngạc nhiên?!".

Cô Nguyễn Hiền Thương cho biết, thầy giáo dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kìm nén giận dữ để tránh làm tổn thương học sinh trước các bạn. Với học sinh nữ cá biệt thì điều này lại càng tối kị. “Ở trường hợp này, thầy nên có cách xử lý riêng với nữ sinh đó ngoài giờ giảng. Cố tình làm mất mặt nữ sinh đó trước các bạn cùng lớp thì em này mất bình tĩnh đánh lại thầy là điều có thể  lý giải được”, cô Thương nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm xử trí với học sinh cá biệt trong nhiều năm, cô Thương chia sẻ, thay vì áp đặt các em, thầy cô giáo trước hết phải hiểu được hoàn cảnh thật sự của em đó và lắng nghe trò, để có cách hành xử đúng mực.

“Với một học sinh cá biệt mà bắt em đó ngồi yên cả tiết học để nghe giảng, quả rất khó! Dạy lớp nào có học sinh cá biệt, tôi thường yêu cầu các em này: Hoặc ngồi yên cho cô dạy, hoặc em có thể đọc sách, làm việc khác, thậm chí có thể… ngủ nếu muốn. Miễn đừng gây ồn ào và làm ảnh hưởng đến người khác. Cô sẽ không phê bình em và em có thể tự học môn của cô sau”, cô Thương kể.

Trước đó, như PNVN đã đưa tin, cư dân mạng xôn xao trước clip 2 thầy trò cầm sách, vở 'tung chiêu' về phía nhau trong giờ học, có sự chứng kiến của toàn bộ học sinh trong lớp. Clip được xác nhận diễn ra tại một lớp 10, trường THPT Tầm Vu, huyện Châu Thành A, Hậu Giang.

Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang xác nhận do học sinh trong clip thường nói chuyện, làm mất trật tự trong giờ học. Sau khi bị thầy giáo nhắc nhở, em này đã có những hành động và lời lẽ không hay, dẫn đến vụ việc trên. Sở đã yêu cầu trường báo cáo cụ thể bằng văn bản.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm