pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thay đổi thói quen hoang phí, bạn nên dùng công cụ nào để kiểm soát chi tiêu?
Câu hỏi:
Các chị em dùng công cụ nào để kiểm soát chi tiêu: Sổ viết tay, note điện thoại, app hay cứ tiêu đi đừng nghĩ suy?
Có ai là không muốn làm tiền tiêu không hết, có ai không muốn có cuộc sống thoải mái không cần suy tư về tiền bạc. Tất nhiên, điều này đến từ việc chúng ta phải biết kiểm soát chi tiêu mới có thể làm được những điều đó.
Nhưng kiểm soát chi tiêu ra sao lại là điều không phải ai cũng biết, khi làm không đúng cách, chúng ta dù rất cố gắng thế nhưng đến cuối tháng vẫn lại chi vượt thu.
Vậy, nếu bạn đang có nhu cầu tiết kiệm, hãy thử tham khảo cách thức tiết kiệm "phong bì tiền" dưới đây và mong rằng nó sẽ giúp ích được cho bạn trong quá trình tiết kiệm, quản lý tài chính cá nhân.
Cách thứ nhất: Ghi chép bằng sổ tay
Cách làm này là kiểu truyền thống, rất nhiều bà nội trợ đã từng sử dụng. Phương pháp ghi chép bằng tay này còn được gọi là Kakeibo. Nó là một phương pháp ghi chép quản lý tài chính nổi tiếng mà phụ nữ Nhật vẫn đang áp dụng hàng ngày.
Cách ghi chép vô cùng đơn giản. Trước hết, bạn ghi lại thu nhập cá nhân và những khoản chi tiêu cố định mà chắc chắn bạn phải thanh toán (tiền thuê nhà, tiền điện, nước, cước Internet…). Điều này sẽ giúp bạn biết được số tiền mình có thể chi tiêu trong tháng này.
Trong những trang tiếp theo của cuốn sổ, hãy ghi lại những chi tiêu của bạn theo bốn phân loại:
- Nhu cầu thiết yếu: Những chi tiêu dành cho thực phẩm, dược phẩm, di chuyển, con trẻ,…
- Có thể lựa chọn: Những chi tiêu dành cho đi cà phê, nhà hàng, mua đồ ăn sẵn, mua sắm,...
- Văn hóa tinh thần: Sách, âm nhạc, các buổi biểu diễn, xem phim, tạp chí,...
- Khoản chi tiêu ngoài dự kiến: Quà tặng, hiếu hỉ, sửa chữa nhà cửa,...
Cách thứ hai: Sử dụng phòng bì
Đây là cách làm được nhiều người áp dụng để quản lý chi tiêu của mình. Phương pháp kiểm soát chi tiêu này cũng rất đơn giản. Bạn chỉ cần chia ra từng khoản có thể là học phí con, tiền chợ, sữa cho con, tiền điện nước, đám cưới, tiết kiệm, tiền ăn uống,...
Sau đó, bạn quy định mỗi khoản đó là bao nhiêu được phép tiêu trong tháng. Sau đó, bạn rút tiền bỏ vào mỗi bao thư ghi khoản đó. Chi gì thì cứ chọn đúng bao đã ghi.
Làm cách này sẽ biết kiểm soát chi tiêu không để bị lạm. Tháng nào chi không hết thì dồn lại bỏ vào bao thư tiết kiệm. Chừa trong tài khoản 1 số tiền nhất định để mua sắm cho riêng mình.
Với cách quản lý tiền bạc này cũng được nhiều người coi như một thử thách tài chính. Mỗi phong bì sẽ là số tiền dành cho các mục đích sử dụng khác nhau. Mỗi khi tiêu một phong bì, số tiền đó sẽ biến mất. Bạn không thể gian lận với chính mình. Thử thách cho bạn để cố gắng giữ lại được càng nhiều phong bì nhất có thể tới ngày cuối cùng của tháng.
Cách thứ ba: Dùng chính thẻ ATM của mình
Nghe có vẻ vô lý nhưng cách làm này cũng được một bộ phận người sử dụng đấy. Phương pháp này sẽ dựa trên việc thấy số dư vẫn còn ở mức cho phép thì vẫn được tiêu.
Cụ thể, tiền lương khi đổ vào tài khoản ngân hàng sẽ chuyển luôn phần bạn định tiết kiệm vào sổ tiết kiệm online. Sau đó bạn tính khoản tiền học phí cho con, điện nước và các thứ khác. Số dư còn lại sẽ bao gồm 2 phần: Số tiền bạn được phép chi tiêu và số dư tài khoản ít nhất cần có trong tài khoản để duy trì những việc đột xuất nhỏ.
Cách thứ 4: Sử dụng app chi tiêu
App quản lý chi tiêu hay còn gọi là ứng dụng quản lý chi tiêu được thiết kế giúp mọi người ghi lại các thông tin chi tiêu, lập kế hoạch và quản lý tài chính. Việc này giúp người sử dụng có cái nhìn tổng quan về mức thu chi hàng tháng, sẽ dễ dàng hơn khi phân bổ tiền bạc vào các danh mục cần thiết.
Các app quản lý chi tiêu đang được sử dụng nhiều có thể tới như Love Money, Misa, Mint, Spendee,... Những app quản lý chi tiêu này đều được miễn phí nên bạn có thể yên tâm tải về điện thoại di động của mình.