Thật ra, không khó để tìm thấy những nhà hàng có tiếp viên nữ phục vụ theo “phong cách” như vậy ở đất Sài Gòn. Thậm chí còn “táo bạo” hơn. Người ta gọi đó là những quán “bia ôm”, “karaoke ôm”, vì khách đến đó ngoài việc ăn nhậu, hát hò, thì “ôm” là một “công việc” gần như không thể bỏ qua.
Ôm ai? Ai ôm? Hẳn mọi người đều quá rõ!
Chính khoản thu nhập từ “ôm” mới là lớn, có khi còn nhiều hơn cả việc kinh doanh đồ ăn thức uống. Vả lại, những tiếp viên trẻ đẹp, chiều khách, chịu chơi, bao giờ cũng là “chất xúc tác” để thu hút khách đến với nhà hàng đông đảo hơn.
Tất nhiên, những khoản thu này đều không có hóa đơn, chứng từ, nên nếu không “thâm nhập thực tế” thì không cơ quan quản lý Nhà nước nào có thể khai thác vấn đề một cách thấu đáo.
Cũng như trong giấy phép kinh doanh, không nhà hàng nào ghi ngành nghề kinh doanh là “bán bia ôm”. Bảng hiệu nhà hàng cũng chỉ ghi là kinh doanh ẩm thực, làm gì có dòng nào “quảng cáo” là ở đó “có tiếp viên trẻ đẹp, chiều khách tận tình” đâu. Vậy mà, những vị khách “sành điệu” (trong đó hẳn không ít người là công chức, cán bộ) chỉ cần đi ngang qua, “ngửi mùi” là biết ngay ở đó có “ôm”. Thậm chí một số người còn “rành 6 câu” về “chất lượng nhan sắc” cũng như “mức độ chịu chơi” của dàn “đào” những nơi ấy.
Nói như vậy để thấy, việc phát hiện ra những quán, nhà hàng có “nuôi” tiếp viên và cách thức “làm việc” của những tiếp viên ở đó ra sao, không phải là điều gì “bí mật”. Ai muốn biết cũng được – miễn là… muốn biết!
Hầu hết các cuộc “đột kích” để kiểm tra đều cho kết quả khá giống nhau: “Để thu hút khách, chủ nhà hàng thường tuyển các cô gái từ 18-25 ở các vùng quê, ăn mặc khêu gợi để tiếp khách. Đa số các thiếu nữ làm việc tại đây đều không có hợp đồng lao động, không được chủ cơ sở đóng bảo hiểm. Phần lớn họ không được chủ nhà hàng trả lương mà phải sống bằng tiền tip của khách”.
Nhưng đó chỉ là “bề nổi”, bởi phía sau của nó, và cũng mang tính bản chất của vấn đề, đó là còn “kéo theo” hoạt động mại dâm, và rất nhiều đối tượng là tiếp viên ấy có sử dụng ma túy.
Nói thẳng ra, đó là những ổ tệ nạn xã hội!
Tuy nhiên, nếu “làm tới nơi tới chốn”, thì người bị “xử tội” không phải là những cô tiếp viên “liễu yếu đào tơ” sống bằng nghề “bán phấn buôn hương”. Theo quy định pháp luật, nếu bị bắt quả tang thì họ cũng chỉ bị xử phạt hành chính và đưa vào trung tâm xã hội một thời gian.
Người bị xử lý chính là những tay đứng ra tổ chức hoạt động này. Đó có thể là chủ nhà hàng, cũng có thể là những tay “ma cô”, “má mì” núp trong “bóng tối” để điều hành cả một hệ thống được tổ chức chặt chẽ.
Nhưng thực tế, đã không có mấy “nhân vật cộm cán” như vậy bị đưa ra xử lý, mà hầu hết các vụ đều dừng ở mức “bắt lỗi”, như để tiếp viên mặc đồ “khiêu gợi”, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không ký hợp đồng lao động với nhân viên… với mức xử phạt “nhẹ nhàng như đẩy cái xe hàng”!
Thật đáng buồn khi thấy những cô tiếp viên sợ sệt, xấu hổ khi bị chụp ảnh trông thật tội nghiệp, trong khi những “khách hàng” thì “lặn” mất tăm, còn những “ma cô” hay “má mì” vẫn “an toàn trong… bóng tối”!