Thầy giáo Biên phòng và hành trình giữ chữ nơi biên cương

Hoàng Sa
29/07/2023 - 14:49
Họ là những những người lính biên phòng, có nhiệm vụ gìn giữ biên cương tổ quốc, nhưng họ cũng làm nhiệm vụ dạy học, xóa mù chữ cho trẻ em người dân tộc thiểu số nơi đóng quân.

Những người thầy "áo xanh" giúp trẻ không quên chữ

Lớp học ở thôn Thò Me, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, Lai Châu, khá đặc biệt. Lớp gồm 9 học sinh người La Hủ, và 2 thầy giáo là cán bộ, sĩ quan đồn Biên phòng Pa Vệ Sử đang vang tiếng ê a học bài. Khi xong buổi học, trung tá Lò Thế Văn, công tác tại đồn Biên phòng Pa Vệ Sử, chia sẻ với chúng tôi: "Mặc dù vào thời gian nghỉ hè nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì một số buổi học, để cho các con không quên chữ. Mấy cháu nhỏ này mải chơi trong thời gian hè là dễ quên chữ lắm".

Thầy giáo Biên phòng và hành trình giữ chữ nơi biên cương  - Ảnh 1.

Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu

Công cuộc dạy chữ xóa mù đối với trung tá Lò Thế Văn đã diễn ra từ nhiều năm nay, từ khi về công tác tại đồn Biên phòng Pa Vệ Sử, anh lại tiếp tục hành trình dạy học ở khắp các thôn trong xã này.

Ban đầu đi dạy học thì tôi còn bỡ ngỡ, vì mình không có nghiệp vụ sư phạm chuyên nghiệp. Nên cứ phải vừa dạy vừa mày mò nghiên cứu giáo trình, để dạy làm sao cho các con dễ hiểu, dễ nhớ nhất. Sau này tôi mới được đi tập huấn, rồi làm lâu cũng thành quen. Hiện nay dạy cùng tôi còn có đại úy Vũ Quốc Đạt nữa, nên cứ hỗ trợ nhau, vừa đi vận động, vừa dạy, ông Văn cho biết thêm. 

Thầy giáo Biên phòng và hành trình giữ chữ nơi biên cương  - Ảnh 2.

Thầy giáo Lò Thế Văn và học trò người La Hủ

Đại úy Vũ Quốc Đạt kể từ khi về công tác ở đồn Pa Vệ Sử, đến nay cũng gần mười năm. Suốt thời gian đó, anh luôn đồng hành cùng trung tá Văn dạy học. 

Chia sẻ với phóng viên, anh Đạt nói: "Mới đầu được phân công đi dạy xóa mù, tôi áp lực lắm. Vì từ xưa đến lúc đi công tác, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc có ngày mình lại đi dạy học như thế này. Nhưng mình vừa làm vừa tự sửa cách dạy, dần dần rồi cũng quen. Cái khó ở đây là nhiều thôn ở địa bàn khó khăn, có lúc phải đi bộ lên, chứ xe không thể lên tới nơi vì đường xấu quá. Lớp học thì không cố định, có khi là hơn mười em một lớp, có khi chỉ vài ba em". 

Thầy đi tìm trò…

Điều đặc biệt ở lớp học của những thầy giáo bộ đội Biên phòng, là thầy luôn phải đi tìm trò, mời trò đến lớp học. Nếu như ở các lớp học của nhà trường, thì học sinh thường đầy đủ. Nhưng ở lớp của các thầy bộ đội Biên phòng, thì thầy thường phải chủ động đi đến các hộ gia đình vận động học trò tham gia học để biết đọc, biết viết, xóa đi nạn mù chữ hoặc tái mù chữ ở cộng đồng làng bản. 

Thầy giáo Biên phòng và hành trình giữ chữ nơi biên cương  - Ảnh 3.

Đi vận động học trò đến lớp

Ông Vàng Chừ Xá, cán bộ công tác mặt trận thôn Thò Ma, chia sẻ: "Mỗi khi thấy các thầy giáo biên phòng đi đến thôn bản, người dân lại bảo với nhau là thầy giáo đi tìm học trò. Họ đến từng nhà thăm hỏi tình hình học hành, biết chữ hay chưa biết, rồi vận động ra học lớp của các thầy. Ở thôn thì cán bộ cũng phối hợp với thầy giáo mở lớp để dạy thôi. Ở đây người dân rất nghe lời các thầy giáo biên phòng khi họ vận động đi học xóa mù chữ".

Chị Vàng Khừ Lớ, thôn Thò Ma, cho hay: Bộ đội đi dạy học rất nhiệt tình, người dân thấy họ đến thì cũng rất vui thôi. Họ dạy cho biết đọc biết viết, là tốt cho dân. Bản thân tôi cũng từng tham gia học lớp của thầy giáo Văn nhiều lần rồi. Bây giờ nghỉ hè, nhiều cháu bé mải chơi quên cả chữ, nên các bố mẹ thấy thầy giáo Văn, thầy giáo Đạt đi tìm học sinh là cho các cháu đi học luôn. Sách bút cũng được các thầy cấp cho mà".

Đại úy Vũ Quốc Đạt chia sẻ: "Để mở một lớp thì chúng tôi phải đi xuống thôn khảo sát xem có bao nhiêu trường hợp cần phải đến lớp, sau đó đến từng nhà để vận động họ đến lớp. Trước kia người dân cũng không mặn mà cho lắm, nhưng đến nay nhận thức của họ tốt hơn, họ sẵn sàng tham gia hoặc nói con cái tham gia rất nhiệt tình. Điều quan trọng là mình thu xếp lớp học vào những khoảng thời gian hợp lý với công việc lao động sản xuất của họ, tránh vào lúc họ quá bận rộn".

Gập ghềnh con chữ nẻo biên cương

Lớp học của các thầy giáo biên phòng thường không cố định, này ở bản này, mai lại ở bản kia. Cứ thế, các thầy thường phải di chuyển để mở lớp ở khắp các bản. Có những cung đường thuận lợi thì không sao, nhưng có những đoạn đường khó đi, các thầy giáo áo xanh chẳng cách nào khác là cuốc bộ, trèo đèo, lội suối tới vã mồ hôi. 

Gập ghềnh dốc đá, khiến người chiến sĩ Biên phòng phải bỏ lại xe máy để cuốc bộ

Trung tá Trần Đình Thọ, Chính trị viên Đồn Pa Vệ Sử, cho hay: "Cán bộ chiến sĩ chúng tôi ngoài nhiệm vụ canh giữ bảo vệ biên cương tổ quốc, thì còn làm những nhiệm vụ khác để hỗ trợ người dân địa phương. Dạy học xóa mù là một trong những nhiệm vụ đó. Nên anh em được giao phó nhiệm vụ như anh Văn, anh Đạt đều rất tận tình thực hiện. Dù ở vùng biên giới thì cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đường sá đi lại tổ chức mở lớp dạy học rất gập ghềnh gian khổ, có lúc phải đi bộ leo dốc bất kể ngày nắng hay ngày mưa. Nhưng anh em vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ".

Mới đây, trung tá Lò Thế Văn và đại úy Vũ Quốc Đạt được cử về thành phố Hải Phòng tham dự lớp tập huấn xóa mù chữ ở vùng người dân tộc thiểu số, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. 

Trung tá Văn chia sẻ: "Đi tham dự lớp tập huấn như thế, anh em cũng rất phấn khởi, vì mình được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm, đặc biệt là việc cập nhật thông tin phương pháp mới, như thế mình mới có thể làm tốt hơn nữa".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm