pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thay khớp háng thành công cho 2 cụ bà trên dưới 100 tuổi
Cụ bà 105 tuổi trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh sau ca phẫu thuật thành công. Ảnh: BVCC
Thay khớp háng vì gãy xương đùi
Theo đó, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phẫu thuật thành công thay khớp háng bán phần cho 2 cụ bà 105 tuổi và 97 tuổi. Trong đó, ca bệnh 105 tuổi là một trong những trường hợp người bệnh cao tuổi nhất từ trước đến nay được phẫu thuật tại bệnh viện.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, khi chuyển tuyến đến cấp cứu tại đây, cả 2 cụ bà đều trong tình trạng tỉnh táo, chân đau nhiều, sưng nề do bị tai nạn sinh hoạt, ngã tiếp xúc hông xuống mặt cứng. Ngay sau khi tiếp nhận, chuyên gia đã cho người bệnh thực hiện các chỉ định X-quang, siêu âm,... và chẩn đoán bệnh nhân V.T.S (105 tuổi, Tuyên Quang) bị gãy cổ xương đùi, bệnh nhân N.T.N (97 tuổi, Hưng Yên) bị gãy xương đùi.
Sau khi trao đổi với gia đình về tình trạng sức khỏe của người bệnh và hội chẩn các khoa, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cùng ekip đã tiến hành phẫu thuật cho 2 cụ bà bằng phương pháp thay khớp háng bán phần, sử dụng đường mổ nhỏ, ít xâm lấn giúp hạn chế tổn thương, người bệnh ít đau đớn và nhanh hồi phục hơn.
2 ngày sau ca phẫu thuật thành công, nhờ công tác chăm sóc sau mổ được thực hiện tốt, cả 2 người bệnh đều đã nhanh chóng hồi phục. Hiện tại, tình trạng 2 cụ bà tỉnh táo, mạch huyết áp ổn định, giảm các cơn đau và tập ngồi dậy, dự kiến người bệnh sẽ được tập phục hồi chức năng sớm và tập vận động các khớp lân cận.
Gãy cổ xương đùi là một tai nạn hay gặp ở người cao tuổi, chủ yếu là do ngã trượt chân trên nền cứng, ngã đập vùng hông xuống đất, thường ghi nhận nhiều vào thời điểm cuối năm. Phẫu thuật thay khớp háng hiện là phương pháp điều trị tối ưu đối với những ca gãy cổ xương đùi do chấn thương, giúp phục hồi chức năng vận động. Đây là kỹ thuật khó, được triển khai chủ yếu ở các bệnh viện lớn, có đội ngũ chuyên gia về ngoại khoa dày dặn kinh nghiệm cùng các trang thiết bị máy móc hiện đại, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh Phó Giám đốc Bệnh viện, chia sẻ thêm.
Đề phòng tai nạn thương tích với người cao tuổi dịp cuối năm
Theo các bác sĩ, vào thời điểm cuối năm, tình trạng người cao tuổi bị tai nạn thương tích có xu hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn thương tích cho người cao tuổi là do thời điểm giao mùa, thời tiết chuyển lạnh, khiến người cao tuổi dễ bị đau nhức xương khớp, cảm cúm, tăng huyết áp đột ngột... dễ dẫn đến bị té ngã làm gãy tay, chân, đột quỵ, bỏng, thậm chí té giếng nhưng không được phát hiện kịp thời dẫn đến tử vong.
Các tình huống người cao tuổi gặp tai nạn thương tích tại nhà đều có thể xảy ra ở bất kỳ gia đình nào, kể cả tại các khu đô thị lẫn khu vực nông thôn. Khi xảy ra tai nạn ở người cao tuổi cần phải được cấp cứu càng sớm càng tốt. Để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, các chuyên gia khuyến cáo, với những gia đình có người cao tuổi cần lưu ý, đối với nhà tắm, nhà vệ sinh phải có các loại tay vịn, sàn gạch cần có độ nhám cao, tránh trơn trượt. Đặc biệt, cửa phải mở được từ bên ngoài vào đề phòng trường hợp có tình huống bất trắc có thể mở cửa vào được từ bên ngoài để xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, những gia đình có người cao tuổi cũng phải chú ý, các phòng trong nhà, hành lang phải có đủ ánh sáng, nhất là ban đêm cần bật một số đèn tại các vị trí cầu thang, nhà vệ sinh để người cao tuổi tiện di chuyển khi cần thiết. Nên trang bị cho người cao tuổi các loại dép mềm, có độ ma sát cao, trên sàn nhà phải đảm bảo khô ráo, hạn chế tối đa những thứ có thể gây trượt ngã như đồ chơi, các loại thảm sàn trơn.
Đối với những gia đình có ao, hồ nước trong khuôn viên gia đình, vườn tược, cần có rào chắn, lan can đủ cao, tuyệt đối không cho người cao tuổi đi ra các khu vực trên mà không có người thân đi cùng. Riêng với những gia đình có giếng đào, cần đúc các tấm đan bê tông đậy kín miệng giếng, không nên dùng các vật liệu nhẹ để đậy, hạn chế người cao tuổi di chuyển gần khu vực miệng giếng, đề phòng té ngã.
Một vấn đề quan trọng cũng cần phải đặc biệt quan tâm đó là những gia đình có người cao tuổi cần chủ động đưa người cao tuổi có bệnh nền (huyết áp, tim mạch, đái tháo đường...) thường xuyên đi thăm khám, kịp thời phát hiện tình trạng bệnh diễn tiến bệnh để có biện pháp xử lý. Tránh những tai nạn thương tích đáng tiếc xảy ra do ảnh hưởng của các yếu tố bệnh nền.