Thay vì tát mắng khi thấy con nói bậy, cha mẹ hãy làm cách này

11/11/2018 - 22:28
Đang đi trên đường, chị Phạm Thị Lê (Mỹ Đình, Hà Nội) không kìm chế được đã thẳng tay tát bốp vào má con trai khi nghe thấy bé nói bậy. Đó lại là những từ mà mới hôm qua, chị phân tích cho con biết là rất bậy.

Chị Lê chia sẻ, ở nhà, chị thấy con như có hai tính cách khác biệt, lúc là đứa trẻ cực ngoan, khi lại là đứa trẻ láo toét vì thường xuyên nói bậy. Có những từ mà vô tình nghe được, chị cảm thấy choáng váng, không hiểu con học ở đâu.

Thậm chí, có lần nhà có khách, chị nhờ con mang hộ mấy cốc nước và đĩa hoa quả. Khi bê khay đồ ra đến phòng khách, con lễ phép mời: “Con mời cô uống nước "tè" và ăn quả… “xít”!”. Nói xong con đứng giữa nhà cười ha ha khiến chị không biết trốn vào đâu vì ngượng với khách.

Lúc đó, chị chỉ muốn lôi cổ thằng bé vào phòng, nện cho một trận nhớ đời để lần sau nó chừa không nói bậy như vậy. Cũng may đó là mấy cô bạn thân nên cũng dễ thông cảm và chị cũng kìm chế được để không nổi điên lên với con.

 

chui-bay1.jpg
Phần lớn các mẹ đều cảm thấy vô cùng bức xúc, thất vọng khi nghe từ cái miệng xinh xinh của con những câu nói bậy “không thể chấp nhận” được . Ảnh minh họa

 

Tình huống dở khóc dở cười như chị Lê xảy ra ở không ít gia đình. Phần lớn các mẹ đều cảm thấy vô cùng bức xúc, thất vọng khi nghe từ cái miệng xinh xinh của con những câu nói bậy “không thể chấp nhận” được.

Theo ThS giáo dục Ngô Thanh Giang, người sáng lập và Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục BEEs’ Education: Đa phần trẻ nói bậy vì thích phản ứng, biểu hiện của người lớn khi nghe chúng nói. Giống như một vở kịch, nếu không có khán giả sẽ không có diễn viên. Cha mẹ nên chọn cách không tán thưởng, không quan tâm, chỉ cần phân tích cho con hiểu nói những từ đó không tốt. Với trẻ lớn hơn, có thể hỏi con xem con có thích bị gắn với những từ đó không, nếu con không thích thì không nên sử dụng vì những người khác cũng sẽ không thích.

“Nói bậy không tránh được khi ngoài xã hội đang diễn ra như thế, cha mẹ không thể bảo trẻ không nói những gì mà xung quanh nói. Cha mẹ chỉ có thể nói trong gia đình con không nên nói những từ đó, bởi thực tế cha mẹ cũng không quản nổi xem ra ngoài con có nói bậy không. Bên cạnh đó, cần tạo cho trẻ ý thức đúng và sai để đi đâu con cũng sẽ áp dụng được công thức này vào cuộc sống”, ThS Thanh Giang gợi ý.

Trong khi đó, bà mẹ ba con MC Minh Trang (Đài Truyền hình Việt Nam) lại nhìn nhận theo hướng tích cực, những trẻ nói bậy là có tư duy ngôn ngữ tốt. “Nhân cơ hội này, cha mẹ đặt ra một trò chơi từ ngữ với trẻ, tất cả các câu mà con nói phải thay từ bậy bằng một từ khác và từ đó phải vui vẻ…”.

“Nếu ngay lúc con nói bậy, mẹ dập tắt mọi cảm giác thích thú và tua một bài về lễ nghi, lịch sự thì trẻ sẽ không hiểu nổi. Lúc đó, trẻ cảm thấy như bị dội gáo nước lạnh và nghĩ rằng mẹ không hiểu mình, mẹ không thích thú, đồng cảm với cảm xúc của mình”, MC Minh Trang bày tỏ, “Hãy tạo cơ hội để con nói hết những từ mà con thích cho mẹ nghe. Sau đó thì phân tích, có những từ con nói rất vui nhưng khôgn phù hợp, khi con nói mọi người sẽ bất ngờ và đặt câu hỏi về từ đó. Con nên giữ lại cho riêng mình, trong giao tiếp hàng ngày không nên dùng. Mưa dầm thấm lâu, dần dần trẻ sẽ hiểu”.

MC Minh Trang cũng khuyên các phụ huynh nên tham khảo thêm cách giúp con hạn chế nói bậy từ bộ truyện tranh “Siêu thỏ” (5 cuốn). Trong đó có cuốn “Lại nói bậy nữa rồi”, cũng kể về chú thỏ thích lắp những từ “bậy” vào mọi thứ trong cuộc sống. “Cha mẹ có thể mua về đọc cho con nghe!”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm