The Body Shop và câu chuyện khởi nghiệp đầy chông gai của Anita Roddick

03/05/2018 - 13:22
Khi Anita Roddick mở cửa hàng The Body Shop đầu tiên, cô không mong đợi mình sẽ trở nên giàu có mà chỉ mong rằng mình có thể sống sót và tồn tại. Thế nhưng cuộc đời của Roddick đã rẽ sang một trang mới kể từ đó.

Kế hoạch ban đầu của Anita Roddick rất đơn giản, đó là tạo ra một dòng mỹ phẩm từ các thành phần tự nhiên và thay vì dựa vào những thứ hào nhoáng, phù phiếm để bán sản phẩm, cô sẽ thu hút sự quan tâm của khách hàng đối với vấn đề môi trường. Kết hợp giữa việc tiếp thị, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng và các hoạt động xã hội, đó là quy tắc kinh doanh của doanh nghiệp mỹ phẩm toàn cầu trị giá 16 tỷ đô la này và biến Anita Roddick trở thành một trong những phụ nữ giàu nhất nước Anh.

3.jpg
Anita Roddick - Nhà sáng lập thương hiệu mỹ phẩm The Body Shop

Sinh năm 1942, Anita Perella là con thứ 3 trong số 4 người con của một trong số ít các gia đình người Italy nhập cư ở Littlehampton, nước Anh. Từ nhỏ, người mẹ đã hướng con gái vào nghề dạy học, nhưng lòng khao khát phiêu lưu của Roddick quá lớn không thể giữ cô ở lại trong lớp học.

Sau một năm ở Paris (Pháp) làm trong thư viện của tờ International Herald Tribune  (nay là International New York Time) và thêm một năm làm việc cho Liên Hợp quốc tại Geneva, cô đã có một chuyến đi xuyên qua châu Âu, nam Thái Bình Dương rồi đến châu Phi. Trong suốt cuộc hành trình của mình, cô đã làm quen với nghi thức và phong tục của nhiều nền văn hóa ở thế giới thứ ba, trong đó bao gồm cách thức chăm sóc sức khỏe và cơ thể của họ.

Khi trở về nước Anh, cô gặp Gordon Roddick, một người có tinh thần tự do, phóng khoáng, yêu thích viết thơ và đi du lịch nhiều như Anita Perella. Cặp đôi này kết hôn vào năm 1970 và ngay sau đó, họ mở một khách sạn rồi mở một nhà hàng tiếp đó.

Năm 1976, Gordon quyết định hoàn thành mục tiêu mà anh đã đặt ra từ lâu, đó là cưỡi ngựa từ Buenos Aires, Argentina, đến New York. Cảm phục niềm đam mê của chồng, Anita đồng ý bán nhà hàng của họ để lấy tiền chi phí cho chuyến đi.

Để hỗ trợ bản thân và con gái trong thời gian chồng vắng mặt, Roddick quyết định mở một cửa hàng nhỏ, nơi cô có thể chia sẻ một số kiến thức về mỹ phẩm tự nhiên mà mình đã tích lũy được trong suốt chuyến đi trước đó. Với sự giúp đỡ của Gordon, cô nhận được khoản vay trị giá 6.500 đô la, ký hợp đồng với một chuyên gia thảo dược địa phương để tạo ra loại mỹ phẩm hoàn toàn từ các thành phần tự nhiên, rồi tìm một địa điểm ở khu nghỉ mát bên bờ biển Brighton để mở cửa hàng The Body Shop đầu tiên.

2.jpg
Khởi đầu là một cửa hàng nhỏ và cũ kỹ ở bờ biển Brighton, ít ai nghĩ The Body Shop hiện là thương hiệu  có mặt trên khắp nơi.

Tất cả mọi thứ đã được thực hiện trong một ngân sách eo hẹp. Vì vậy, cô phải sơn màu xanh lá cây cho cửa hàng để che giấu những thứ cũ kỹ, những chỗ ẩm ướt trên các bức tường. Cô cũng giảm giá cho những khách hàng khi mang những chiếc lọ của họ đến mua và sử dụng bao bì đến mức tối thiểu để giữ chi phí thấp nhất có thể. Khách hàng còn được phép chọn từ một loạt từ các loại dầu thơm cho đến những hương liệu để mua riêng rẽ vì nó rẻ hơn so với việc thêm nước hoa đắt tiền vào mỗi chai dầu gội hoặc kem dưỡng da. Để giảm chi phí, cô không quảng cáo cho sản phẩm mà chỉ dựa vào các cuộc phỏng vấn được đặt ở những vị trí trung tâm có đông người, bên cạnh đó tích cực phát  tờ rơi để đẩy mạnh việc quảng bá và bán sản phẩm.

Sự kết hợp của các sản phẩm độc đáo cộng với quan hệ công chúng tốt, đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản và ý thức về giá trị sản phẩm đã nhanh chóng tạo ra tiếng vang. Tiếng lành đồn xa, trong vòng một năm, công việc kinh doanh của Roddicks phát triển nhanh đến mức cô mở thêm được một cửa hàng thứ hai.

Khi Gordon trở lại vào mùa xuân năm 1977, The Body Shop đã trở nên phổ biến đến nỗi Roddicks bắt đầu bán nhượng quyền thương mại. Vào mùa thu năm 1982, các cửa hàng Body Shop mới được mở cửa với tốc độ 2 cửa hàng mỗi tháng.

Để huy động vốn cho các kế hoạch to lớn, Roddicks đã đưa The Body Shop lên sàn chứng khoán vào năm 1984. Sau chỉ một ngày giao dịch, cổ phiếu của The Body Shop đã tăng gấp đôi giá trị và vẫn tiếp tục đà tăng xuyên suốt đến những năm cuối thập niên 1980, khi hàng trăm cửa hàng của The Body Shop xuất hiện trên khắp châu Âu và nước Mỹ.

Một trong những mấu chốt cho sự thành công của Roddick đó là các hoạt động xã hội của cô. Tiếng nói ủng hộ cho những mục tiêu của tổ chức Hòa bình xanh, tổ chức Ân xá quốc tế, bảo vệ rừng nhiệt đới và cấm thử nghiệm động vật của Roddicks được công khai một cách tự do giúp công ty loại bỏ được những đối thủ cạnh tranh và tạo niềm tin cho những khách hàng trung thành. Mọi người cảm thấy hài hòng khi mua các sản phẩm của The Body Shop bởi họ bị thuyết phục trước những nỗ lực của Roddick. Họ muốn mình trở thành một phần của hoạt động tích cực này. Cho đến cuối năm 1992, trên thế giới đã có hơn 700 cửa hàng The Body Shop tạo ra doanh thu 231 triệu đô.

Tuy nhiên, khi lợi nhuận và tên tuổi đã phát triển, Roddicks lại tập trung vào những mục tiêu xã hội hơn là công việc kinh doanh, đưa ra hàng loạt dự án về môi trường thay vì cải tiến dòng sản phẩm đã lâu không có sự đổi mới. Nhân cơ hội đó, một số nhãn hiệu khác đã bắt chước và giành được thị phần khách hàng từ The Body Shop. Những người từng đứng về phía The Body Shop nay trở mặt tấn công và chỉ trích công ty là đạo đức giả, làm nảy sinh một làn sóng báo chí tiêu cực. Kết cục, doanh thu và lợi nhuận của công ty đều giảm.

3.jpg
Trải qua nhiều thăng trầm, The Body Shop vẫn là thương hiệu mỹ phẩm được yêu thích trên thế giới và đưa Anita Roddick trở thành một trong những phụ nữ giàu nhất nước Anh.

Cho đến năm 1996, khi thấy mọi thứ cấp thiết cần phải được thay đổi, Roddick đã quay lại điều hành hoạt động của công ty mỗi ngày và bổ nhiệm Stuart Rose lên làm giám đốc điều hành. Chính Stuart Rose đã nhanh chóng tái cấu trúc công ty, đem về những nhà quản lý chuyên nghiệp, thiết lập sự kiểm soát hàng hóa chặt chẽ hơn cũng như tinh giản và hợp lý hóa quy trình sản xuất. Vào thời điểm đó, Roddicks dường như cảm thấy mâu thuẫn khi thực hiện những điều mới mẻ này.

Tuy vậy, những thay đổi không mang lại hiệu quả như mong muốn và doanh thu tiếp tục sụt giảm. Sau kết quả kinh doanh ảm đạm của quý 1 năm 1998, Roddick đã nhượng lại vị trí CEO của mình cho Patrick Gourney, một nhà quản lý chuyên nghiệp đến từ một tập đoàn thực phẩm Pháp.

Câu chuyện về Anita Roddick cho thấy cô là một doanh nhân vĩ đại cuối thế kỷ 20. Từ một cửa hàng nhỏ bé ban đầu, cô đã phát triển thành một đế chế quốc tế và chứng minh rằng công ty có thể giành được những khách hàng trung thành và thành công bằng cách cung cấp thông tin sản phẩm một cách rõ ràng hơn là tập trung vào việc quảng cáo và đẩy mạnh áp lực bán hàng.

Anita Roddick luôn nghĩ rằng doanh nghiệp phải có trách nhiệm phải trao tặng lại thứ gì đó cho cộng đồng và thế giới. Vì vậy, The Body Shop đã hỗ trợ cho một số hoạt động ở địa phương và dự án môi trường. Công ty cũng khuyến khích các nhân viên của mỗi cửa hàng đều tham gia vào những hoạt động này, với ít nhất một tình nguyện viên cho một dự án vì cộng đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm