“Ba vạn chín nghìn” dạng người trên Facebook
Năm châu bốn bể mênh mông, cuộc sống muôn hình vạn trạng không ngờ lại “nhỏ như lòng bàn tay”. Mắt ta không thể nhìn thấy cả thế giới, tai ta không thể nghe được mọi điều và chân ta không thể đi ngàn dặm trong tích tắc nhưng chỉ cần ngồi một chỗ, với một thiết bị công nghệ thông minh kết nối internet, ta có thể biết cả thế giới đang diễn tiến thế nào. Vậy nên, chẳng cần đi đâu xa, cứ lên “phây” (Facebook) thì sẽ gặp “ba vạn chín nghìn” kiểu người: từ trí thức đến bác nông dân, từ chính khách đến kẻ bần hàn, từ anh xe ôm cho đến chị đầu bếp, từ hoa hậu cho đến Thị Nở, từ soái ca cho đến Chí Phèo… Muôn mặt của các giai tầng xã hội được thu nhỏ trong không gian mạng nên chẳng khó khăn gì để ta diện kiến người lịch lãm, văn minh đến kẻ xô bồ, vô học…
Theo số liệu công bố mới đây, số lượng người dùng hoạt động hàng ngày của Facebook đã tăng lên tới con số 1,47 tỷ người. Ông chủ Mark Zuckerberg cũng tiết lộ trong buổi công bố kết quả hoạt động kinh doanh mới nhất của Facebook rằng, có 2,5 tỷ người trên thế giới đang sử dụng ít nhất một ứng dụng của Facebook (bao gồm cả Instagram, WhatsApp và Messenger) hàng tháng. Với một hệ sinh thái rộng lớn và không lồ như vậy nên khi lạc vào thế giới của Facebook là người ta như lạc vào ma hồn trận của thế giới ảo.
Tài khoản Facebook cá nhân được coi như “thánh địa” của mỗi người. Đó là ngôi nhà riêng, chủ nhà được mặc sức muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. Có lẽ thế nên tất thảy mọi việc, từ tốt đến xấu, buồn đến vui, được đến mất, hạnh phúc đến khổ đau, yêu thương đến thù hận, ủng hộ đến công kích…, đều được người ta trưng cả lên Facebook.
Chỉ cần “dạo” một vòng chơi chơi trên Facebook, bạn sẽ bắt gặp hằng hà sa số các loại thông tin ở mọi cấp độ nguội, nóng, tiêu cực, phản cảm, chính thống, ngoài lề…. Vì là “thông tấn xã cá nhân” nên thiên hạ thoải mái phát ngôn, bình luận nêu quan điểm. Và không ít người trong số họ là những kẻ a dua a tòng, nói cho cốt sướng cái miệng chứ không hề nghĩ trước lường sau.
“Thánh địa” của các “thánh” nổ, “thánh” chửi
Với đa số người sử dụng mạng xã hội, không ít thì nhiều đều đã được chứng kiến những màn livestream hoặc những clip “bá đạo” của các “thánh” chửi trên Facebook. Có người nhận xét rằng Facebook là “thánh địa” của các loại “thánh” chém, “thánh” nổ, “thánh” bán hàng online, “thánh” tử vi, “thánh” bói, “thánh” chửi, “thánh” livestream, “thánh” soi, “thánh” chọc online...
Vừa mới đây, người viết bài này được chứng kiến một cô gái trẻ, xinh xắn, sành điệu, lên trang cá nhân của mình để… chửi cha, chửi mẹ, chửi tông ti họ hàng cái đứa order hàng (đặt hàng) của cô nhưng khi giao hàng thì…biến mất, làm cô “ế” đơn hàng. Vậy là cô điên, cô chửi. Ngược với vẻ bề ngoài đẹp đẽ, bao nhiêu ngôn từ chua ngoa, bậy bạ, vô văn hóa cô vung ra cho bằng sạch. Như thể, phải chửi thế để bàn dân thiên hạ của thế giới Facebook đều biết cô mới hả lòng hả dạ. Bài chửi ngẫu hứng nhưng rất bài bản của cô gái thu hút hàng trăm ngàn lượt like và chia sẻ. Trong vô số comment, người khuyên cô kiềm chế cũng có mà người tung hô, khích tướng, a dua chửi bậy với cô cũng nhiều.
Lại có anh chàng bề ngoài rất đẹp trai, lịch lãm chuyên bán hàng online, khi bị một số khách hàng vào comment không như ý, lập tức anh này livestream tặng “cư dân Facebok” màn chửi thề không thể ngoa hơn.
Có thể nói, bên cạnh các hình ảnh không đẹp trên không gian mạng: Livestream tự làm xấu, lột đồ, ăn mặc khêu gợi, nhảy múa để quảng bá sản phẩm bán hàng; livetream miêu tả hành động tình dục thô tục để bán đồ sextoy… thì văng tục, chửi bậy cũng trở nên khá phổ biến trên Facebook. Chính những hình ảnh phản cảm và hành động không văn minh này đã làm “ô uế” môi trường mạng xã hội.
Không thể phủ nhận những tiện ích cấp tiến mà mạng xã hội đã mang lại cho đời sống của chúng ta. Đó chính là cầu nối để gắn kết con người với con người, con người với xã hội, thế giới. Trên không gian mạng, con người, quốc gia, màu da, dòng máu không có khoảng cách vì tất cả là một cộng đồng, là cư dân mạng. Có điều đáng nói, trong thế giới ấy, đang hình thành những dòng chảy khác biệt bởi mục đích sử dụng mạng xã hội khác nhau. Có người lấy đó làm công cụ truyền thông; có người lấy đó làm phương tiện bán hàng, câu view, câu like; có người lấy đó để đánh bóng bản thân; có người lấy đó làm phương tiện xuyên tạc, chống đối, đi ngược thể chế chính trị hiện thời…
Mạng xã hội là không gian ảo nhưng những hệ lụy và tác động trực tiếp đến văn hóa, xã hội, đời sống của chúng ta không hề ảo chút nào. Để gạn đục khơi trong mội trường mạng xã hội, ngoài việc truyền thông để mỗi cá nhân trở thành người dùng mạng xã hội thông thái thì đã đến lúc, Facebook Việt Nam và các nhà quản lý cần siết chặt, buộc người sử dụng tuân thủ và thực thi nghiêm túc những quy định của pháp luật về việc sử dụng mạng xã hội một cách văn hóa, văn minh.
Tài khoản cá nhân trên mạng xã hội là quyền sở hữu riêng nhưng môi trường mạng cũng là một khía cạnh xã hội. Vì vậy, không thể để các “thánh chửi”, “thánh nổ”, “thánh xuyên tạc”, “thánh sex” muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói, đăng gì thì đăng…