Thế hệ Millennials ở Mỹ ngại cưới, lười sinh con

13/04/2017 - 11:58
Người Mỹ gọi giới trẻ sinh ra trong giai đoạn 1980-2000 là thế hệ Millennials. Đây là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông xã hội và có thái độ sống rất khác biệt so với cha mẹ, ông bà họ.

Chậm kết hôn, lười sinh con và lười sống tự lập

Theo nghiên cứu mới công bố của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Gia đình và Hôn nhân (Đại học Bowling Green State University) khi so sánh những người lứa tuổi từ 25 tới 34 trong năm 1980 - thế hệ sinh sau Thế Chiến hai - với nhóm cùng tuổi ngày nay, kết quả cho thấy một số khác biệt mạnh mẽ trong những người Mỹ trẻ so với 3 hay 4 thập niên trước.

Trong năm 1980, 2/3 những người tuổi từ 25 tới 34 đều đã kết hôn (chiếm khoảng trên 60%). 1/8 đã kết hôn và ly dị. (Nguồn: Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Gia đình và Hôn nhân, Mỹ)

Đến nay, tỷ lệ kết hôn của thế hệ trẻ giảm đi rất nhiều. Hiện chỉ có khoảng 2/5 người thuộc thế hệ trẻ  (Millennials) là đã kết hôn (tương đương khoảng 40%), và chỉ 7% từng ly dị. Ngày càng có nhiều người trẻ Mỹ muốn sống độc thân, trên 50%. Về tỷ lệ sinh con cũng đang giảm sút ở mức thấp nhất với tỷ lệ sinh của phụ nữ ở độ tuổi 20-24 chỉ là 85,3 ca sinh/1.000 phụ nữ. Đối với nhóm tuổi từ 25-29, con số này là 107,2 ca...

Việc lựa chọn hình thức chung sống ở thế hệ Millennials cũng đang có nhiều đổi thay.

Trước đó, thanh niên Mỹ đến tuổi trưởng thành (18 tuổi) dọn ra khỏi nhà ở riêng, sống tách khỏi cha mẹ khá phổ biến. Vào những năm 1980, chỉ có khoảng 9% những người trẻ Mỹ trong độ tuổi từ 25-34 sống chung với cha mẹ hay ông bà. Đến những năm 2011-2012 số lượng người trẻ ở lại sống chung với gia đình đã tăng lên 13,6% - tức là có khoảng 3,4 triệu bậc phụ huynh ở Mỹ đang sống cùng con cái trong độ tuổi trưởng thành, tăng 1,3 triệu so với năm 2000.

Đến nay, tỷ lệ giới trẻ Mỹ muốn sống cùng ông bà, bố mẹ đã lên tới 22% (đang được cho là con số cao nhất trong vòng 75 năm qua). 

Giới trẻ Mỹ không chỉ lười kết hôn, mà còn lười sinh con, lười sống tự lập – thích sống cùng cha mẹ, ông bà được cho là bắt đầu từ cuộc đại suy thoái kinh tế năm 2008 và ngày càng tăng tốc.

Nỗi lo kinh tế bao trùm

Vì sao lại có những khác biệt kể trên ở thế hệ Millennails? Theo Nhà kinh tế học Richard Fry tại Trung tâm nghiên cứu Pew: Thực trạng này có liên quan chặt chẽ đến 2 vấn đề chính, đó là sự thay đổi về thái độ xã hội cũng như những bất lợi/áp lực về kinh tế ngày càng gia tăng (lương thấp hơn, nợ sinh viên gia tăng, giá thuê nhà tăng…).

Hiện, nhiều người trẻ Mỹ đang có mức thu nhập thấp hơn các thế hệ trước. Thu nhập trung bình của người trẻ năm 2014 là 61.003 USD, thấp hơn người cùng độ tuổi họ năm 1998 là 63.365 USD. Trong khi đó, giá thuê nhà trên toàn quốc đang ngày càng cao, trung bình vào khoảng 1.400 - 1.800 USD Mỹ/tháng. Riêng tại các đô thị thì có xu hướng ngày càng tăng. Tại Baltimore, tiền thuê nhà trung bình mỗi năm tăng 2,36%, tại Buffalo - New York giá thuê tăng khoảng 8%... 

Chỉ có khoảng 35% người trẻ dưới 35 tuổi là có khả năng có đủ tiền để lo có nhà riêng, giảm 8% so với năm 2004 (Ảnh minh họa) 

Bên cạnh đó, những “khoản nợ học hành” cũng đang đeo bám sinh viên, cử nhân và gia đình. Theo ước tính từ Bộ Giáo dục Mỹ, trung bình mức chi trả học phí của gia đình có 1 con đang học đại học ở nước này đang dao động khoảng 14 - 40 ngàn USD/năm (tùy thuộc vào trường dân lập hay công lập). 1 gia đình muốn đầu tư cho con học xong 4-5 đại học sẽ phải tốn khoảng 140-180 ngàn USD.  Nhiều gia đình/sinh viên đã phải vay nợ để đầu tư học hành. Khoảng 5 năm trở lại đây, Bộ Giáo dục Mỹ cho biết, trung bình mỗi năm nước này có khoảng hơn 300 ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường bị vướng vào nợ, bị hạn chế cơ hội thuê nhà, kiếm việc làm, tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ khác...

Mặt khác, chi phí nuôi con ở Mỹ cũng khá tốn kém. Theo Viện chính sách kinh tế và phát triển của Mỹ, hiện những chi phí liên quan đến việc chăm sóc ban ngày cho 1 trẻ sơ sinh ở hầu hết các tiểu bang đang cao hơn so với mức học phí trung bình cho 1 sinh viên học 4 năm ở 1 trường đại học công. Trung bình mỗi gia đình ở trên các tiểu bang phải trả cho việc nuôi 2 đứa trẻ/tháng đang cao hơn so với số tiền thuê nhà của cả gia đình/tháng. Riêng tại khu vực Hawaii, chi phí chăm sóc ban ngày của một đứa trẻ 1 tuổi đang chiếm mất 74,4% tiền lương tối thiểu của một người lao động.

Những khó khăn về kinh tế đã và đang trở thành nguyên nhân khiến giới trẻ Mỹ có xu hướng sống phụ thuộc và chần chừ trong việc lập mái ấm riêng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm