Thêm muối vào thức ăn dặm của trẻ: Nguy cơ hại thận, còi xương

15/05/2018 - 09:25
Thực tế, lượng muối có sẵn trong thực phẩm, gạo, sữa đã đủ cho trẻ. Vì thế, việc thêm muối vào thức ăn dặm sẽ khiến trẻ thừa muối, tăng nguy cơ còi xương, hại thân...

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), ở bất cứ độ tuổi nào, con người cũng cần một lượng muối nhất định. Muối có công thức hóa học là NaCl, khi vào cơ thể tách ra thành Na và Cl. Cơ thể cần muối tức là cần Na (Natri).

tre-an-dam-som.jpg
Không nên thêm muối vào thức ăn dặm của trẻ

Tuy nhiên, Natri không chỉ có trong những gia vị mặn như muối tinh, nước mắm, bột canh mà trong những thực phẩm tưởng rằng rất nhạt như gạo, ngô, sữa, thịt... đã có một hàm lượng Natri nhất định.

Tất nhiên, trẻ nhỏ cũng cần muối nhưng chỉ với hàm lượng rất nhỏ. Theo các tính toán thì trẻ dưới 12 tháng cần ít hơn 1g muối/ngày. Do đó, lượng muối có sẵn trong sữa mẹ, sữa bột và các thực phẩm tự nhiên đã đủ cho trẻ, gia đình không cần nêm thêm muối mỗi khi chế biến thức ăn dặm của trẻ nữa.

Với trẻ lớn hơn, từ 1-3 tuổi thì cũng phải cẩn thận khi thêm muối vì trong các thức ăn vặt, bánh, phomai... cũng đã có nhiều muối. Khi trẻ lớn hơn nữa đã ăn chung người lớn thì gia đình cũng nên tập thói quen không ăn mặn; các loại thức ăn vặt nên kiểm tra xem lượng muối trong đó nhiều hay ít.

Việc thêm muối có thể khiến trẻ ăn thừa muối so với nhu cầu, dễ ảnh hưởng đến thận. Đặc biệt, với trẻ khoảng 7 tháng tuổi, thận của trẻ rất non nớt và chưa hoàn thiện về mặt chức năng, việc dùng mắm, muối, có thể là gánh nặng cho thận, chưa kể thận chưa đủ khả năng xử lý được lượng muối lớn trong cơ thể, có thể gây ứ đọng muối, dẫn đến cao huyết áp, phù thũng, rối loạn nhịp tim...

Bên cạnh đó, khi dư thừa Natri, trẻ biếng ăn và mệt mỏi nhiều hơn vì làm mất cân bằng nước trong cơ thể. Lượng Natri dư thừa còn làm tăng nguy cơ đào thải canxi ra ngoài theo nước tiểu khiến bé có nguy cơ thiếu canxi, không thuận lợi cho quá trình phát triển chiều cao của bé.

Đặc biệt, vị giác của trẻ rất nhạy nếu bạn cho bé ăn thêm muối từ sớm thì lớn hơn chút nữa, trẻ có nguy cơ ăn mặn hơn bình thường. Đây là yếu tố dẫn đến các bệnh trong tương lai của trẻ như tăng huyết áp, ung thư, suy thận...

Do đó, gia đình cần lưu ý, khi nếm bột/cháo của bé mà người lớn thấy vừa miệng có nghĩa là bột/cháo đó mặn so với bé. Vì vậy, cần nêm lượng nước mắm vừa phải, ăn thấy hơi nhạt một chút là vừa cho bé.

Gia đình cũng có thể cho một lượng phô mai phù hợp vào bát bột/cháo của bé thay thế cho nước mắm/muối vì phô mai cũng có vị mặn. Nên cho phô mai vào bát bột của bé sau khi cho dầu ăn. Như vậy, bát bột/cháo của bé cũng sẽ thơm, ngon, ngậy và không quá nhạt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm