Thi hỏng chỉ là "thành công bị trì hoãn"

Hoàng Lan
10/07/2025 - 14:52
Thi hỏng chỉ là "thành công bị trì hoãn"

Ảnh minh họa: Thu Anh

Năm nào cũng vậy, mỗi mùa thi lại xảy ra không ít chuyện đau lòng với các sĩ tử thi trượt. Có cháu nghĩ quẩn, tự tìm tới cái chết chỉ vì thiếu nửa điểm để đỗ trường chuyên; có cháu bỏ nhà đi lang thang vì không thể vào trường THPT công lập...

Có nhiều cháu sau khi vượt qua cú sốc đã chia sẻ lại, một phần cháu cảm thấy thất vọng vì bản thân, một phần lo sợ bị bố mẹ mắng, phần nữa lo làm ảnh hưởng tới danh dự của gia đình...

Thương các con, cộng đồng cũng đặt vấn đề về cách ứng xử của cha mẹ nên như thế nào khi có con vượt vũ môn rực rỡ lẫn con hỏng thi. Mới đây, trên group "Long Biên ăn gì, ở đâu", nick Vũ Phương Linh chia sẻ lại một câu chuyện được đăng trên mạng xã hội. 

Khi đi bán hàng về, khoảng 12h30, cô gặp một cháu bé ở ngõ 108 Trần Phú di chuyển đến công viên Mỗ Lao, vừa đi cháu vừa khóc. Linh cảm có chuyện chẳng lành, người này hỏi thăm thì cháu òa khóc nức nở, nói là thi hỏng vào trường công. 

Cháu thấy các bố mẹ khoe điểm con trên mạng lại càng sợ sẽ bị bố mẹ mắng. Rất may sau đó, người này đã kịp thời hỏi địa chỉ và đưa cháu về nhà an toàn. Gia đình cháu rất xúc động vì con đã được cứu "1 mạng". 

Kể lại chuyện này, tác giả bài viết tha thiết đề nghị các cha mẹ xin hãy dừng lại việc khoe điểm con trên facebook. "Hôm qua, em cũng nông cạn khi ngồi hóng điểm các con. Chỉ đơn giản là muốn vui cùng các con. Nhưng lại quên đi các con kém may mắn hơn. Cô xin lỗi các bạn nhiều".

Sau bài đăng trên, đã xuất hiện những tranh luận về việc phụ huynh học sinh nên ứng xử thế nào khi con biết điểm thi. Có người đồng tình rằng, phụ huynh nên chấm dứt việc khoe con trên mạng. 

Nhưng có người lại phản đối, cho rằng, việc con thi đỗ sau một quá trình rèn luyện vất vả rất đáng được biểu dương và không ai có quyền "cấm" cha mẹ bày tỏ niềm tự hào về con trên mạng.

Dù đứng ở góc độ nào thì các ý kiến cũng đều thống nhất là các con đều còn nhỏ tuổi, chưa suy nghĩ thấu đáo. Khi kết quả thi không như mong muốn, các con không tránh khỏi cảm giác lo lắng, buồn bã. 

Vì vậy, một điều luôn luôn đúng là cha mẹ hãy giúp con bình tĩnh thay vì "leo thang" các suy nghĩ tiêu cực. 

Trên nhóm "Đồng hành cùng con tuổi dậy thì", nick Cao Nga viết: "Các bố mẹ hãy tinh tế lên. Hãy để ý đến cảm xúc của con trong giai đoạn này. Lớp 10 chưa phải là duy nhất trong cả cuộc đời. Con mình khoẻ mạnh, vui vẻ là nhất. Mọi thứ khác chỉ là phù du thôi. Đừng gây áp lực cho con. Câu chuyện năm nào cũng có...".

Ngày 7/7 vừa qua, trên nhóm "Ôn thi vào lớp 10...:", một nick ẩn danh đã đăng một bài viết rất xúc động về sự đồng hành của cha mẹ khi em thi hỏng: "... Con là một học sinh vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội. 

Hôm nay con lên đây để chia sẻ câu chuyện của riêng mình: trượt chuyên... Thực sự con cảm thấy thất vọng về bản thân và cảm thấy có lỗi với bố mẹ rất nhiều vì con đã trượt hết tất cả các trường chuyên với số điểm thảm hại. Khi biết điểm, con đã khóc rất nhiều. 

Bố mẹ con không những không trách con mà còn động viên con. Bố con lúc đó đang đi công tác nhưng cũng gọi điện cho con và nói 'Không sao đâu con, dù con có học ở đâu thì bố mẹ vẫn luôn ở bên con...". Khi nghe bố nói xong, con không kìm được nước mắt... 

Con lên đây chia sẻ với mọi người, các bạn, các em rằng, trượt chuyên không phải là mất tất cả, đó chỉ là một trải nghiệm giúp ta rút ra được kinh nghiệm cho những cuộc chiến tiếp theo trong cuộc đời. Con cũng rất may mắn vì có bố mẹ thấu hiểu và ở bên cạnh con...".

Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen, nhà báo Trần Thu Hà khá nổi tiếng trên mạng với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim. Chị cho rằng các kỳ thi ở trong trường chỉ là một mảng rất rất nhỏ. 

Khi con thi trượt, trước tiên cha mẹ phải bình tĩnh, động viên con thay vì chì chiết, trách mắng, dồn ép con. Hãy giúp con tin rằng nếu cố gắng thì học ở đâu con cũng sẽ thành công, con hãy xem đây là bài học phải bước qua để làm tốt hơn. Thi trượt trong một kỳ thi không có nghĩa là cả tương lai sau này của con sẽ thất bại. Đặc biệt, hãy giúp con hiểu rằng, dù thế nào, cha mẹ vẫn luôn yêu thương, đồng hành cùng con. Mục tiêu cuối cùng luôn là tạo ra những đứa trẻ khỏe mạnh, hạnh phúc, lạc quan, không sợ thất bại và luôn tự tin.

TS. Nguyễn Thị Thu Anh, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực, Phó Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục học Hà Nội

Ngoài kia, mỗi ngày là vài bài thi. Những bài thi với chính bản thân mình đó mới là những bài thi khó khăn nhất, khốc liệt nhất. "Mình đọc được tin, các trường Ivy League và một số đại học đại cương hàng đầu của Mỹ giờ đây đang phải xây dựng những chương trình chỉ để hỗ trợ những sinh viên giỏi nhất trường vượt qua những thất bại đầu đời. 

Vì với họ, thất bại là một kinh nghiệm không quen thuộc, có thể làm họ tê liệt, và gục ngã!", chị chia sẻ. 

Trong một bài viết khác từng được đăng trên trang facebook cá nhân sau khi điểm thi đại học được công bố, chị Thu Hà bày tỏ: "Lúc này, hàng ngàn thí sinh phải đối mặt với việc không vui mà ở mình gọi là "thi trượt", nhưng Bộ Giáo dục Anh quốc thì chỉ đơn giản gọi là "thành công bị trì hoãn"! 

Cánh cửa của nguyện vọng này không mở, có thể có nhiều nguyện vọng khác tốt hơn đang đợi mình. Cứ gõ cửa sẽ mở. Nếu cửa không mở, thì đâu có ai cấm ta cứ gõ nhiều lần? Nếu vẫn không mở nữa, thì ta đi gõ cánh cửa khác! Đặc quyền lớn nhất của tuổi trẻ là đời còn dài, còn được phạm sai lầm và luôn có đủ thời gian để ta làm lại".

Theo chị Hà, cha mẹ nên dạy cho con cả về thất bại và chấp nhận thất bại, dạy con về thành công không phải là ở điểm số, bằng cấp mà là ở việc con được sống hạnh phúc, được tận hưởng cuộc sống, được làm điều con mong muốn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm