Thi THPT Quốc gia 2020: Giữ ổn định về cơ bản như năm 2019

31/10/2019 - 11:48
Bộ GD&ĐT vừa có chỉ đạo hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2019-2020 với các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến công tác thi và đánh giá chất lượng giáo dục. Theo đó, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 cơ bản giữ ổn định như năm 2019.

Liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia 2020, Bộ GD&ĐT biết, kỳ thi sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2019. Kỳ thi nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông.

Kết quả thi có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho thí sinh, cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông. Kết quả này cũng làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần tự chủ tuyển sinh đã được quy định trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung.

 

Ảnh minh họa

Để đạt mục tiêu trên, Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Kỳ thi. Các đơn vị chuẩn bị điều kiện để thí điểm xây dựng các ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên các môn học ở cấp trung học phổ thông.

Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các sở trực thuộc làm tốt công tác lựa chọn nhân sự tham gia thi, tăng cường quán triệt quy chế thi. Trong đó, các đơn vị cần đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.      

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi sẽ được đẩy mạnh, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để bảo đảm kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi. Các sở chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi, xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi.

Bộ cũng lưu ý các cơ sở giáo dục đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về Kỳ thi. Các sở tăng cường chức năng quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát và gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của lãnh đạo địa phương với các hội đồng thi.

 

Ảnh minh họa

 

Liên quan đến việc quản lý văn bằng, chứng chỉ, Bộ GD&ĐT cho biết mục tiêu đặt ra là phải có biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng làm giả văn bằng, chứng chỉ và mua bán văn bằng, chứng chỉ, tăng cường quản lý các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với việc sát hạch và cấp các loại chứng chỉ của các cơ sở giáo dục.

Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT tổ chức kiểm tra, thẩm định điều kiện bảo đảm chất lượng việc tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định và công bố công khai kết quả kiểm tra, thẩm định. Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục của nước ngoài trên địa bàn phải tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý.

Các sở cũng phải chủ động phối hợp với cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp mua bán văn bằng, chứng chỉ; làm giả văn bằng, chứng chỉ và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trên địa bàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm