Thi tiếng Anh vào lớp 10 Hà Nội: Ôn thế nào để đạt điểm cao?

30/11/2018 - 17:22
2019 năm đầu tiên Sở GD&ĐT Hà Nội đưa môn tiếng Anh làm môn thi bắt buộc, ngoài 2 môn toán và văn, trong kỳ thi vào lớp 10. Đây vốn là kỳ thi có tiếng “khốc liệt” chẳng kém gì thi vào đại học, nhiều sĩ tử đang dốc sức để ôn luyện môn thi nào. Sau đây là một số gợi ý để việc ôn luyện đạt hiệu quả tốt hơn.

“Quần nát” SGK là nắm chắc phần thắng

Sau khi có đề thi minh họa, nhiều giáo viên nhận định đề thi tiếng Anh về cơ bản không đánh đố, tuy có nhiều dạng câu hỏi khác nhau. Đặc biệt, phần lớn kiến thức đều nằm trong chương trình SGK hiện hành nên việc nắm kỹ chương trình cơ bản sẽ là một lợi thế để sĩ tử đạt điểm tốt.

Thầy Nguyễn Danh Chiến, giáo viên dạy tiếng Anh được nhiều học sinh Hà Nội biết đến, nhận định rằng, đề thi tiếng Anh lớp 10 Hà Nội có nhiều "món", dạng câu hỏi giống đề thi THPT quốc gia những năm trước đây với lời dẫn rất quen thuộc. Các câu hỏi tập trung trong chương trình THCS, số câu hỏi mang tính thách đố rất ít. Học sinh nắm chắc kiến thức và kỹ năng cơ bản của Chương trình tiếng Anh THCS có thể làm tốt bài thi.

 

ctyp_81436257c4e57_5843577306_1a98149efb_o.jpg
Ảnh minh họa

Với 40 câu hỏi, trong đó có 32 câu trắc nghiệm và 8 câu tự luận, đề minh họa gồm các nội dung Phát âm, Ngữ pháp, Từ vựng, Tình huống giao tiếp, Đọc hiểu và Viết câu. Số lượng câu hỏi liên quan đến ngữ pháp (đơn lẻ, trong đoạn văn điền từ, vận dụng viết câu) chiếm tỷ lệ tương đương 50%, trong khi số lượng câu về từ vựng ít.

“Điều đáng lưu ý nữa là đề không yêu cầu viết đoạn văn nên sẽ thuận lợi cho rất nhiều học sinh yếu về kỹ năng sản sinh ngôn ngữ. Đề thi yêu cầu học sinh phải nắm chắc các quy tắc phát âm (nguyên âm, phụ âm), các kiến thức ngữ pháp cơ bản, lời đáp trong tình huống giao tiếp thông thường, vốn từ vựng rộng, kỹ năng sử dụng nghĩa từ vựng và nghĩa ngữ pháp để điền từ trong đoạn văn, kỹ năng đọc hiểu đoạn văn ngắn để trả lời câu hỏi và viết lại câu/kết hợp câu” – thầy gợi ý.

Cũng theo thầy Chiến, đề thi đòi hỏi học sinh đáp ứng 3 mức độ nhận thức: Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng ở mức độ thấp. Số lượng câu hỏi yêu cầu học sinh cần đạt được mức độ vận dụng cao chiếm 15%, chủ yếu dành cho các bạn mong muốn đạt được điểm 9 - 10.

“Nếu xét trên mục tiêu của việc điều chỉnh phương án thi là giúp cải thiện tình trạng môn chính, môn phụ, tránh tình trạng học lệch, học tủ thì đề như vậy là phù hợp và không gây sốc đối với học sinh. Các em không cần quá lo lắng” – thầy nói.

Đọc đề thi cũng cần kỹ năng

Theo một số giáo viên luyện thi tiếng Anh, việc đọc và phân tích đề thi cũng giúp học sinh sớm có nhiều thời gian làm bài, tránh lạc đề. Điều này cần có một số kỹ năng nhất định.

Theo đó, ngay khi nhận đề thi, học sinh nên đọc lướt toàn bộ đề thật nhanh trong vòng vài phút, dùng bút chì gạch ngay vào những vấn đề cần lưu ý trong câu hỏi hoặc các loại bài như xác định cách phát âm, tìm đúng dạng của từ, tìm lỗi sai trong câu…

Để tiết kiệm thời gian, khi làm bài thi, học sinh nên chia câu hỏi thành 3 nhóm.

Nhóm 1: là câu hỏi mà học sinh có thể trả lời được ngay (ví dụ như cách chia động từ khi có điểm thời gian xác định, các giới từ quen thuộc đi với động từ hoặc tính từ, xác định mạo từ…).

Nhóm 2: là những câu hỏi hoặc vấn đề cần phải tính toán và suy luận (thường thể hiện trong các bài đọc hiểu, tìm thông tin đúng hoặc sai, hoặc suy diễn để tìm ý chính cho đoạn văn..).

Nhóm 3: là những câu hỏi còn phân vân hoặc vượt quá khả năng của mình thì học sinh cần đọc kỹ lại và dành thêm thời gian để lựa chọn cho đúng.

Phương pháp loại trừ cũng là kỹ năng cần thiết trong quá trình làm bài thi môn tiếng Anh. Khi làm một câu trắc nghiệm, phải đánh giá để loại bỏ ngay những phương án sai và tập trung cân nhắc trong các phương án còn lại. Thường trong bốn đáp án của mỗi câu hỏi, chắc chắn đã có hai đáp án loại bỏ ngay và chỉ để ý hai đáp án còn lại sẽ dễ dàng hơn trong việc chọn được câu trả lời chính xác và việc lựa chọn này cũng nên quyết đoán.

Vì thi trắc nghiệm là một cuộc đua về thời gian nên học sinh không nên dừng lại quá lâu ở bất cứ câu hỏi nào.Với những câu không biết chắc đáp án chính xác, nên dùng phương pháp loại trừ để loại bỏ được càng nhiều phương án sai càng tốt.

Học sinh lưu ý tuyệt đối không nên để trống một câu nào. Kể cả với những câu không thể trả lời được cũng nên đánh dấu vào một trong các phương án bởi nếu may mắn, học sinh có thể trả lời đúng còn nếu trả lời sai thì cũng không bị trừ điểm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm