Em Nguyễn Đặng Như Uyên (THCS Đống Đa) cho biết: “Em thấy đề trong khả năng của em. Câu nghị luận xã hội là hay nhất vì có em nhiều ý để lựa chọn. Đề vẽ 4 cây xanh và mỗi cây có một lời thoại về nội dung thể hiện cách ứng xử của bạn trẻ đối với một ai đó nổi bật hơn mình. Hình vẽ khá thực tế giúp em dễ hình dung. Em chọn ý 3, là mình có cố gắng để nỗ lực vươn lên”.
Em Nguyễn Thị Mỹ Phương (THCS Điện Biên, Bình Thạnh, TPHCM) phấn khởi: “Em làm bài được 70%, em thấy đề khá hay và nhẹ nhàng. Với những bạn học trung bình vẫn có thể làm được 50% bằng khả năng phân tích của mình. Em hy vọng chiều nay sẽ có tâm trạng vui vẻ như môn thi đầu tiên”.
Chị Phan Hạnh (Q.Bình Thạnh) tâm sự: “Con tôi là học sinh giỏi mấy năm liền, tuy nhiên tôi vẫn lo. Đôi lúc học tài thi phận mà, mình không có biết được. Nhiều khi con học trong trường là giỏi nhưng khi ra thi với các trường khác sẽ có người giỏi hơn. Tôi luôn khuyên con phải cẩn thận với từng con số, con chữ, không được chủ quan. Rất nhiều trường hợp các em điểm cao mà lại trượt nguyện vọng 1 vì chọn trường sát điểm quá. Sáng nay, con tôi làm môn văn khá ổn, tôi thấy cũng mừng”.
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên dạy Văn trường THCS Nguyễn Du, quận 1, nhận xét: Nhìn chung đề hay, khoa học, vừa sức học sinh và không đánh đố, có tính phân loại cao. Đối với câu 1, đề mang tính thời sự, không đòi hỏi học sinh học thuộc lòng mà học sinh phải có cái nhìn đa diện nhiều chiều, thể hiện được quan điểm cá nhân. Đặc biệt, câu nghị luận xã hội dự kiến chấm sẽ khá thú vị. Cách ra đề quen thuộc nhưng hình thức sáng tạo. Thông qua sự lựa chọn câu trả lời cho thấy được nhận thức của học sinh. Câu 3 vừa có tính thực tế, vừa mang tính nhân văn, có tính giáo dục thông qua tình cảm gia đình”.
Cô Lê Thị Thanh Huyền, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, đánh giá: “Câu 2, đề nghị luận xã hội, cách ra đề nhìn hình ảnh đưa ra thông điệp, cách sống, cách ứng xử. Yêu cầu thí sinh chọn cách ứng xử để thực hiện bài nghị luận xã hội. Đây là câu hỏi hay, mang tính tích cực, giúp học sinh có những lựa chọn khác nhau theo quan điểm cá nhân. Đề mở tạo sự thông thoáng trong suy nghĩ, nhận định về cuộc sống con người”.