Như PNVN đã phản ánh, sáng nay (1/6), hơn 85.000 học sinh Hà Nội đi làm thủ tục cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 PTTH công lập. Trước giờ G, phụ huynh nín thở theo dõi con, các con dốc sức ôn đến sát ngày cuối cùng.
Đứng ở ngoài cổng trường THPT Quang Trung - Đống Đa đợi con làm thủ tục dự thi, chị Phạm Thanh Liên có con học ở trường THCS Phương Mai vô cùng sốt ruột, lo lắng. Chị cho biết, con chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng nên cả ngày hôm qua chị vô cùng bồn chồn, thậm chí đêm còn trằn trọc, khó ngủ. Chị lo lắng không biết đến hôm thi con làm bài có tốt không, có cơ hội đỗ vào trường công lập không khi trường THPT Quang Trung - Đống Đa năm nay có tỷ lệ chọi khá cao.
Sáng nay, đưa con đến tập trung ở địa điểm thi để nghe quy chế xong, chị Liên sẽ chở thẳng con đến nhà cô giáo dạy tiếng Anh để tranh thủ nhờ cô kèm cho con những kiến thức còn hổng. Buổi chiều, con lại có ca học Toán từ 14g đến 17g. Buổi tối, chị nhờ gia sư đến tổng quát lại kiến thức môn Văn cho con. Chị Liên cho biết, các cô giáo lo cho học sinh nên cố gắng kèm cho các con càng nhiều càng tốt. Phụ huynh sốt ruột nên cứ động viên con “cố nốt, cố nốt”. Bởi chỉ lo, nếu vào đúng bài không học kỹ thì sẽ vô cùng ân hận, con sẽ phải học trường dân lập với mức học phí đắt đỏ.
Đứng đợi con, gương mặt chị Đào Thu Trang có con học ở trường THCS Đống Đa “thất thần”. Chị Trang cho biết, đến sát ngày thi, chị cảm thấy không yên tâm khi môn Văn của con vẫn không ổn chút nào. “Con trai tôi nói lo nhất môn Văn, vẫn nhiều bài còn “lơ tơ mơ” mà giờ chẳng thể nào “nhét vào đầu” được. Năm nay thi 4 môn, các con phải phân bổ thời gian, không thể ngày nào cũng học được nhiều kiến thức cho một môn được. Con không thể thuộc và nhớ hết kiến thức môn Văn vừa dài vừa nhiều. Con lo một, mẹ run mười”. Chị Trang cho biết, từ năm lớp 8 đến giờ đã nhờ 3 cô giáo kèm Văn cho con, vậy mà “không ăn thua”. Giờ chỉ chỉ biết “cầu Trời khấn Phật” môn Văn thi vào bài con đã ôn kỹ, còn nếu không chắc con không có hy vọng.
Làm thủ tục xong, Gia Khánh (trường THCS Phương Mai) cảm thấy thực sự lo. Em cho biết, ngoài môn Toán thì 3 môn thi Ngữ Văn, Anh, Sử đều khiến em không tự tin. Thậm chí, còn mấy bài môn Ngữ Văn em chưa nhớ sườn bài. Ngay bây giờ, em được mẹ chở đến nhà cô giáo tiếng Anh để cô bổ túc kiến thức trong thời gian “thâu trưa”, từ 11g đến 13g30. Buổi chiều, em sẽ về nhà để “cày” nốt mấy bài Văn.
Theo Tiến sĩ Trần Thành Nam - giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - sát ngày thi, thí sinh không nên học cố. Bởi, quy luật tâm lý của con người là càng đến những thời điểm cuối cùng càng học càng quên. Khi học sát giờ thi thì lúc vào phòng thi sẽ rơi vào "vòng trũng của sự quên", không tái hiện được kiến thức.
Trong ngày sát ngày thi, sĩ tử nên ngồi nói chuyện theo chủ đề đã ôn trong thời gian vừa rồi. Đây là thời điểm tái hiện lại tri thức mà không phải ôn thi.
Sĩ tử nên viết lại những kiến thức, vẽ ra theo biểu đồ cây, xương cá. Việc này giúp hệ thống lại hoặc định vị kiến thức. Thời điểm này, đầu óc cần có sự thư giãn. Ngày cuối cùng trước khi thi nên nghỉ ngơi và tạo kỉ niệm vui. Sức khoẻ thể chất và giấc ngủ là tối cần thiết giúp sĩ tử có khả năng ghi nhớ.