Ở lớp, Gia Khánh (trường THCS Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) được đánh giá cao khi đa phần các môn của em đều rất giỏi, trên dưới 9 phẩy. Với học lực này, nếu như mọi năm, em hoàn toàn tự tin dự thi vào các trường công lập top đầu như THPT Kim Liên, THPT Lê Quý Đôn... Thế nhưng, năm nay thi thêm tiếng Anh – môn “sở đoản” của em, em đã phải cân nhắc rất nhiều. “Cân đo đong đếm”, cuối cùng mẹ của Gia Khánh khuyên con thi vào trường THPT Quang Trung – trường “non” so với sức học của con.
Chị Chi (mẹ của Gia Khánh), chia sẻ: Từ đầu năm, biết sẽ thi tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, thế nên chị đã phải “đầu tư” cho con học tiếng Anh khá nhiều. Cho con đi học ở một vài trung tâm tiếng Anh, tìm giáo viên, người quen giỏi tiếng Anh để “ốp” con học. Thế nhưng, con chỉ thích học các môn khoa học tự nhiên, rất nhanh thuộc các môn xã hội, chỉ có tiếng Anh thì con vẫn… mù tịt.
Chị Chi xác định, nếu thi ở trường top trên, con phải đồng đều cả 4 môn và không có môn nào có thể “cứu” môn nào. Ở các trường này, các thí sinh đều rất giỏi và cạnh tranh nhau từng 0,5 điểm. Không dám liều mình vì chỉ cần “trượt chân”, con sẽ không có cơ hội học ở trường công lập, chị Chi quyết định chuyển nộp hồ sơ vào trường “cửa dưới” cho con cho “chắc chân”. Chiều qua, đề thi Toán khá khó, con không làm được đúng với khả năng của mình để “cứu” tiếng Anh khiến sáng nay chị Chi hồi hộp trước môn tiếng Anh của con.
Cũng giống như chị Chi, chị Thu Hoài (Ngã Tư Sở, Hà Nội) nhất nhất bắt con phải thi trường “cửa dưới” dù học lực của con ở trên lớp được đánh giá tương đối tốt. Chị Hoài cho biết, trong mọi lần thi thử, môn Ngữ Văn, Toán và Lịch sử của con đều trên 8 điểm/môn. Nếu như mọi năm, con gái chị hoàn toàn tự tin thi vào trường top đầu THPT Kim Liên. Thế nhưng, năm nay “dính” môn tiếng Anh, con gái chị đành ngậm ngùi chia tay với ngôi trường mơ ước của mình. Chị Hoài cho biết, tiếc trường tốt, con gái chị còn trách mẹ: “Sao mẹ không sinh ra con trước 1 năm để con chỉ phải thi 2 môn. Năm nay thi tiếng Anh, con lại phải thi vào trường mà con không hề yêu thích”.
Theo cách thi như mọi năm, nhiều học sinh chỉ “đầu tư” vào môn Toán, Ngữ Văn mà buông bỏ, coi nhẹ các môn khác. Chính vì vậy, khi Sở GD&ĐT Hà Nội thay đổi phương án thi, nhiều học sinh đã “trở tay không kịp” ngậm ngùi chọn thi trường “cửa dưới”, non hơn so với sức học của mình.