Thiến hóa học tội phạm xâm hại trẻ em: Từ đề xuất tới thực hiện

Đinh Thu Hiền
19/06/2020 - 08:40
Thiến hóa học tội phạm xâm hại trẻ em: Từ đề xuất tới thực hiện
Các đề xuất án phạt dành cho tội phạm xâm hại trẻ em, trong đó có thiến hóa học, luôn làm nóng dư luận nhưng tới thời điểm này vẫn chưa được triển khai. Vì sao?

Chuyện khó hay dễ?

Thiến hóa học là cách thông qua thuốc ức chế tình dục để làm giảm ham muốn với đối tượng phạm tội tình dục, đặc biệt là lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng không loại bỏ các cơ quan sinh dục.

Một cách dễ hiểu nhất, thiến hóa học là sử dụng một loại thuốc để làm giảm nồng độ testosterone, từ đó làm giảm ham muốn tình dục. Tại Mỹ, các bác sĩ đã sử dụng loại thuốc có tên medroxyprogesterone acetate trên những đối tượng phạm tội tình dục trong hơn 50 năm qua. Lưu ý là thủ tục thiến hoá học này không có tác dụng vĩnh viễn.

Vào cuối tháng 5 vừa qua, trong cuộc thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em tại Quốc hội, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho biết khi tiếp xúc cử tri, nhắc đến vấn đề xâm hại trẻ em ai cũng căm ghét, lên án và mong muốn phải xử lý nghiêm khắc đối tượng này. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề xuất, ngoài án tù, cần áp dụng thêm biện pháp "thiến hóa học" với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em. Đây là biện pháp đã được một số nước áp dụng đối với tội phạm ấu dâm. Ông cũng đề nghị các phương tiện truyền thông và cộng đồng khi đưa tin về các trường hợp trẻ em bị xâm hại tránh nêu tên, tuổi, địa chỉ cụ thể vì sẽ gây tổn thương lâu dài, ảnh hưởng đến tương lai của nạn nhân.

Thực tế, kẻ xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân thiết, quen biết với nạn nhân, thậm chí nhiều trường hợp cha xâm hại con, ông nội xâm hại cháu với các thủ đoạn bỉ ổi, quyết tâm thực hiện tội ác đến cùng và lặp đi lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên, vì hành vi diễn ra thường không có người làm chứng và chứng cứ có nhiều điểm mờ nên rất khó cho Cơ quan CSĐT và những người cầm cán cân công lý.

Thiến hóa học tội phạm xâm hại trẻ em: Từ đề xuất tới thực hiện - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Lạm dụng tình dục trẻ em tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới được coi là căn bệnh ấu dâm. Kẻ mắc bệnh này thường có các hình thức ấu dâm như hỏi chuyện, gợi ý về tình dục, tiếp xúc các bộ phận sinh dục, vuốt ve, khai thác tình dục trẻ, sử dụng trẻ vào trong các clip khiêu dâm...

Lý thuyết cho thấy, việc thiến hóa học đã làm giảm nhu cầu tình dục của những người mắc chứng bệnh ấu dâm. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, người bị thiến hóa học cũng ít phạm tội trở lại. Nhưng thực tế, để thi hành "án" đặc biệt này tại Việt Nam, những người thực thi pháp luật sẽ phải đối mặt với một số khó khăn như phải bảo quản thuốc để tiêm có chất lượng và chuyên nghiệp thì thuốc mới phát huy tác dụng; yêu cầu những người có trình độ tiêm thuốc thực hiện công việc này; xử lý tình huống về việc nếu có thời gian nguồn cung thuốc bị "đứt hàng" thì cần phải làm sao... Giải quyết được những khó khăn này thì việc tiêm thuốc trong "án" thiến hóa học mới có hiệu quả.

Hãy áp dụng ngay các hình thức phạt hiệu quả khác

Trong khi chờ đợi việc thiến hóa học được triển khai tại Việt Nam, đã có nhiều hình thức phạt đến thời điểm này vẫn chưa được áp dụng. Thông thường, khi có người bị kết tội xâm hại trẻ em thì hình phạt sẽ là phạt tù. Tuy nhiên, rất nhiều nước đã thực hiện việc người mãn hạn tù xâm hại tình dục trẻ em cần phải đưa vào danh sách tội phạm tình dục và gửi rộng rãi tới khu dân cư nơi người này sinh sống. Ngoài ra, còn có các biện pháp khác như cấm làm các nghề liên quan tới trẻ em, không được tới nơi trẻ em tụ tập như trường học và quan trọng nhất là không được sống riêng với trẻ em.

Minh Béo là một trong những tội phạm ấu dâm bị ra tòa tại Mỹ, và trục xuất khỏi quốc gia này, cấm vĩnh viễn không bao giờ được đặt chân tới Mỹ. Khi trở về Việt Nam, Minh Béo vẫn tiếp tục gây dựng sân khấu kịch dành cho trẻ em, thậm chí còn công khai tuyển các diễn viên nhí để vào các vai diễn trên sân khấu. Không có bất cứ chế tài nghiêm khắc nào được đưa ra để áp cho nhân vật này, khiến những người có lương tri hết sức lo lắng.

Thiến hóa học tội phạm xâm hại trẻ em: Từ đề xuất tới thực hiện - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Với các trường hợp kẻ phạm tội là người thân của nạn nhân, ví dụ như cha đẻ, cha dượng, ông nội, ông ngoại, sau khi mãn hạn tù, việc cấm tới gần và không được ở chung với trẻ, cần được các cơ quan chức năng để tâm. Sở dĩ cần áp dụng biện pháp không được gần trẻ và không được ở chung với trẻ để tránh tình trạng tái phạm. Hơn thế, nếu người thân phạm tội vẫn ở gần người thân nạn nhân, thì dù có bị thiến hóa học chăng nữa, sự sợ hãi, khổ sở của nạn nhân kéo dài mãi, sự ám ảnh không bao giờ dừng lại được. Khi đó, rất dễ phát sinh nhiều hệ lụy đau lòng.

Thiến hóa học là một trong những biện pháp có tính răn đe cao đối với tội phạm ấu dâm, tuy nhiên chỉ có thể thực hiện với các tội phạm đã bị đưa ra ánh sáng. Một cách "thiến hóa học" hoàn hảo nhất, chính là nạn nhân và những người xung quanh không khoan nhượng với kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em. Hãy mạnh mẽ để vượt qua các rào cản tâm lý, tố cáo tội ác. Và người tiếp thêm sức mạnh cho nạn nhân và người thân, chính là các điều tra viên cùng các cải cách trong điều tra, xét xử, nâng cao án phạt tù và hàng loạt các chế tài khác sau khi kẻ phạm tội ra tù. Một chu trình khép kín này, sẽ giống như "vòng kim cô" siết chặt lại, hạn chế tối đa tội phạm xâm hại trẻ em. Để con trẻ được lớn lên trong sự bảo bọc an toàn của pháp luật và xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm