Một trong những nguyên nhân rõ nhất là việc miền Trung liên tiếp phải gánh chịu thiên tai. Chỉ trong vòng 1 tháng đã có 3 cơn bão uy hiếp, trong đó cơn bão số 12 đã gây thiệt hại rất nặng nề. Nhiều trận lũ lụt lớn cũng liên tiếp xảy ra khiến tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống người dân toàn bộ khu vực Trung và Nam Trung bộ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo phân tích của giới chuyên môn, tác động của thiên tai đã khiến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0.11%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,20%.
Tuy nhiên, việc chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng giảm là điều khiến nhiều người băn khoăn, vì chưa sát hợp với diễn biến của thị trường trong tháng 11, khi nhu cầu vật liệu xây dựng để sửa chữa nhà cửa bị hư hại do bão lũ ở miền Trung là rất lớn, tạo sự căng thẳng, khan hiếm về nguồn cung trong một số thời điểm.
Trong tháng cũng đã có 2 lần xăng dầu điều chỉnh tăng giá khá mạnh: Xăng tăng 710 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 600 đồng/lít, tác động khiến nhóm dịch vụ giao thông tăng giá tới 0,68%.
Nguyên nhân chỉ số giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng là do một số thay đổi từ các chỉ số về y tế, giáo dục tăng ở một số địa phương như: Tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế tại Quảng Ninh và Quảng Trị; tăng giá dịch vụ giáo dục hai tỉnh Quảng Ninh, Bạc Liêu cũng góp phần tăng các nhóm hàng hóa nói trên.
Các yếu tố khiến một số nhóm có CPI giảm là do nhu cầu du lịch giảm sút vì mưa bão và giá vật liệu cũng có xu hướng giảm do điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm nay đã tăng 3,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; CPI tháng 11/2017 tăng 2,38% so với tháng 12/2016 và tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2016.
Lạm phát cơ bản tháng 11/2017 tăng 0,06% so với tháng trước và tăng 1,28% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng tăng 1,42% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.