Chúng ta phải đi vệ sinh 6 đến 8 lần 1 ngày, cả cuộc đời mất 3 - 5 năm chỉ để đi vệ sinh. Do vậy, nhà vệ sinh là một phần thiết yếu của kết cấu cơ sở hạ tầng cả ở thành thị và nông thôn.
Hãy tưởng tượng rằng khi bạn đang đi vui chơi và mua sắm, đột nhiên, bạn có nhu cầu vệ sinh nhưng lại không thể tìm thấy một nhà vệ sinh công cộng hoặc nếu bước vào nhà vệ sinh nhưng lại quá bẩn thỉu, không có cách nào để “giải quyết”, bạn sẽ thấy khó chịu đến mức nào.
Thế nhưng, trên thế giới hiện có khoảng 2,4 tỷ người không có nhà vệ sinh và cứ 10 người thì lại có 3 người không có nhà vệ sinh đảm bảo để dùng. Hậu quả là họ phải trả giá đắt khi nhiễm bệnh tật vì dùng nhà vệ sinh bẩn. Các bệnh tật liên quan tới nhà vệ sinh gồm tiêu chảy, tả, thương hàn...
Mỗi ngày, có gần 1.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì tiêu chảy và thiếu nhà vệ sinh sạch sẽ. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ ước tính 9% gánh nặng bệnh tật toàn thế giới bắt nguồn từ nước uống nhiễm bẩn và vấn đề vệ sinh kém.
Đối với nhiều nữ sinh, việc không có chỗ giải quyết nhu cầu cá nhân khiến các em phải nhịn ăn, uống trong suốt thời gian học ở trường và cũng là lý do khiến các em nghỉ học.
Ở Ấn Độ, 66% các trường học không có nhà vệ sinh dành cho nữ. Năm 2017, khoảng 3.000 học sinh, đặc biệt là các bé gái, đang theo học tại khoảng 500 ngôi trường ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, phải nhịn uống nước vì không có nhà vệ sinh.
Tổ chức giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ước tính rằng ở châu Phi cứ 10 nữ sinh thì có 1 em nghỉ học khi tới ngày "đèn đỏ" của mình và cuối cùng sẽ là bỏ học vì lý do này. Ở Ethiopia, phía đông châu Phi, hơn 50% nữ sinh phải nghỉ học từ một đến bốn ngày mỗi tháng do chu kỳ sinh lý.
Việc không có nhà vệ sinh sạch sẽ, nước rửa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ em gái và phụ nữ. Ngoài ra, nếu không có nhà vệ sinh riêng biệt trong trường học, các nữ sinh sẽ không thể đến trường, hậu quả là các em sẽ bị thiếu kiến thức.
Nguy hiểm hơn, việc không có nhà vệ sinh, buộc phải đi “giải quyết” ở những chỗ vắng hoặc nhà vệ sinh nam cũng tiềm ẩn nguy cơ các nữ sinh bị quấy rối, xâm hại. Một nghiên cứu được công bố năm 2016 tại Ấn Độ cho thấy những người phụ nữ đi vệ sinh ở ngoài trời có khả năng bị tấn công tình dục cao gấp đôi so với những người có nhà vệ sinh. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, có đến hơn nửa tỉ người Ấn Độ, chủ yếu sống ở khu vực nông thôn không có nhà vệ sinh. Tình trạng thiếu các nhà vệ sinh cá nhân.
- Bị quấy rối, xâm hại
Tháng 9/2012, một bé gái 14 tuổi bị khống chế, trói tay, bịt miệng, bị cưỡng hiếp suốt gần 2 tiếng đồng hồ khi đang rửa tay chuẩn bị ra khỏi nhà vệ sinh công cộng ở quảng trường Đường Long, thành phố Đông Hoàn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Tháng 2/2018, bé M. 14 tuổi (Trà Vinh, Việt Nam) vào nhà vệ sinh công cộng gần nơi bán hàng của mẹ để tắm thì bị một đối tượng từ phòng vệ sinh bên cạnh leo sang bóp cổ rồi giở trò đồi bại. Bé M. chống cự nhưng bất thành. Sau khi thoả mãn thú tính tại nhà vệ sinh, tên “yêu râu xanh” tiếp tục dùng vũ lực kéo bé M. ra khu đất trống gần đó để thực hiện hành vi hiếp dâm lần thứ hai.
Và rất nhiều những trường hợp các em gái bị xâm hại khi đang dùng nhà vệ sinh công cộng khác cho thấy nguy cơ các em bị tấn công tình dục ở nhà vệ sinh là một thực tế đáng lo ngại.
- Bị quay phim, chụp ảnh lén
Những vụ việc bị quay lén ở nhà vệ sinh công cộng xảy ra tương đối phổ biến. Đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển, những thiết bị thu hình nhỏ gọn nhưng được ngụy trang rất tinh vi khiến nhiều người trở thành nạn nhân cho những mục đích xấu mà không hề hay biết. Theo các cuộc thăm dò mới nhất, 80% phụ nữ Seoul lo lắng về việc bị quay, chụp lén trong nhà vệ sinh công cộng.
Những nguy cơ tiềm ẩn từ nhà vệ sinh công cộng trở thành nỗi sợ, ám ảnh, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tâm lý chị em phụ nữ cũng như sự phát triển bình thường của các trẻ em gái.
Chính vì vậy, thiếu nhà vệ sinh và nhà vệ sinh sạch, an toàn đang trở thành vấn đề sống chết, ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn và sinh mạng của gần 1 phần 3 dân số thế giới cũng như hàng triệu các em gái trên toàn cầu cần được các quốc gia, khu vực chú trọng và nhanh chóng hành động.
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng: - Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần đưa trẻ đi vệ sinh ở nơi công cộng để kẻ xấu không có cơ hội làm hại hoặc bắt cóc con. - Với phụ nữ, để tránh nguy cơ bị quấy rối, xâm hại, nếu có thể, hãy cùng đi với người thân, bạn bè... Nếu chỉ đi một mình, có thể mang theo một chai nước hoa nhỏ dạng xịt, để ở vị trí dễ lấy trong túi xách, để xử lý nếu tình huống xấu xảy ra. - Nếu bị kẻ xấu khống chế, có hành vi xấu, đầu tiên nên giả vờ đồng ý để đối tượng mất cảnh giác và lựa chọn những vị trí là điểm yếu của đối tượng như mắt, mũi, cằm và chổ hiểm để tấn công trước khi tìm cách thoát khỏi nhà vệ sinh hoặc trong khi đợi người trợ giúp. - Trong mọi trường hợp, chị em đều phải thật bình tĩnh để xử lý tình huống, nhằm giữ an toàn cho bản thân mình. - Khi xảy ra các hành vi quấy rối nơi công cộng, phát hiện thiết bị quay, chụp lén thay vì giữ im lặng hãy trình báo với công an hay cảnh báo cho những người khác để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ kẻ xấu. |
* Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 19/11 là “Ngày Nhà vệ sinh thế giới”, kể từ năm 2013. Năm 2019 là năm thứ 7 diễn ra sự kiện thường niên này với chủ đề: “Không bỏ sót bất kỳ một ai". * “Ngày Nhà vệ sinh thế giới” giúp mọi người trên toàn cầu ý thức được tầm quan trọng của hệ thống nhà vệ sinh tới sức khỏe của con người và chung tay xây dựng một xã hội khỏe mạnh hơn. |