Với chủ đề “Em yêu áo dài Việt Nam”, hội thi đã thu hút hơn 100 thí sinh có độ tuổi từ 11- 15 tham gia. Các thí sinh nhí tham gia hội thi được Ban tổ chức cung cấp áo dài, màu, cọ vẽ. Trong thời gian 3 tiếng đồng hồ, các thí sinh phải hoàn thành phần thi của mình.
Đề tài mà các em lựa chọn đa phần là những điều quen thuộc như cảnh sắc quê hương, gia đình, tình yêu Tổ quốc, biển đảo, hoa sen, thiếu nữ... Những nét vẽ non nớt, sinh động nhưng không kém phần khéo léo đã tạo nên sự hấp dẫn, đa phong cách, tôn lên phần duyên dáng cho những chiếc áo dài.
Thí sinh Nguyễn Ngọc Yến Thi (lớp 6, trường THCS Đặng Tấn Tài, quận 9) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em tham gia hội thi vẽ trên áo dài như vậy, em cảm thấy rất vui. Với chiếc áo dài của mình, em vẽ một cô gái đội một chiếc nón lá và dịu dàng đứng bên đóa hoa sen. Em thấy đây là những hình ảnh khá quen thuộc và khi nhìn vào mọi người sẽ nghĩ ngay đến đất nước Việt Nam của chúng ta”.
Còn thí sinh Trần Hoàng Quốc Việt ( Trường Đinh Tiên Hoàng, quận 9) thì đưa vào áo dài của mình những nét vẽ cứng cáp hơn. “Em vẽ hồ Hoàn Kiếm vì đây là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Em có mơ ước là được ra thăm Hà Nội”. Việt bộc bạch.
Đây là một sân chơi không chỉ đơn thuần là nơi thể hiện năng khiếu, định hướng thẩm mỹ thời trang cho các em mà còn để phát hiện ra những mầm non hội họa, nhằm bồi dưỡng và phát triển.
Bên cạnh đó, cuộc thi còn giáo dục cho các em thiếu nhi về vẻ đẹp truyền thống của áo dài Việt Nam gắn liền với công tác giáo dục truyền thống lịch sử. Phụ huynh Phan Thị Thanh Hoa (quận 3, TPHCM) cho biết: “Bé nhà tôi hay tham gia hội thi “Nét vẽ xanh” của quận và đây là lần đầu tiên bé tham gia một hội thi lớn hơn. Tôi rất ủng hộ những cuộc thi như thế này vì nó rất có ý nghĩa. Cuối tuần, nhiều cháu nhỏ rất mê điện thoại, ham chơi game vì thế khi tham gia hội thi vẽ trên áo dài này cũng tạo ra một môi trường giáo dục tốt, các bé sẽ học hỏi từ bạn bè rất nhiều điều hay, biết yêu quý chiếc áo dài hơn”.
Hơn hết, cuộc thi còn mang ý nghĩa sâu xa là thúc đẩy tình yêu đối với áo dài trở thành sự tự nguyện, chủ động và đậm sâu trong thế hệ măng non, để trang phục truyền thống của dân tộc sẽ không mai một giữa hàng tá những món đồ hàng hiệu xa hoa và hợp thời.
Sau khi phần thi vẽ trên áo dài hoàn thành, các chiếc áo dài sẽ được sấy khô và các thí sinh sẽ mặc áo dài do mình thiết kế lên sân khấu trình diễn vào 20 giờ cùng ngày, tại đêm biểu diễn nghệ thuật có tên “Em yêu áo dài Việt Nam”.