pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thơ Nguyễn Thị Hồng: Vẻ đẹp lặng lẽ của thi ca và tâm hồn
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng cùng nhà thơ Hữu Thỉnh (trái) và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong buổi ra mắt tập thơ "Nguyễn Thị Hồng - Thơ tuyển"
Trước thềm Ngày Thơ Việt Nam 2023, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng đã cho ra mắt tập thơ "Nguyễn Thị Hồng - Thơ tuyển". Cuốn sách do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành, gồm 100 bài thơ, 1 đoản khúc và 1 trường ca, bên cạnh đó còn có phần "Tác phẩm và dư luận".
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1948, quê quán ở xã Minh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bà tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 11, ra trường năm 1970. Sau đó, bà công tác tại NXB Phụ nữ (trong đó khoảng 15 năm làm Trưởng ban biên tập sách Văn học trong nước cho đến khi về hưu). Gần như bà dành cả cuộc đời chuyên làm công tác biên tập sách văn học, góp phần vào việc cho ra đời những cuốn sách có uy tín của NXB Phụ nữ. Đồng thời, bà rất say mê sáng tác, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội.
Xuất hiện trên văn đàn vào những năm 80 của thế kỷ 20, thơ Nguyễn Thị Hồng gây ấn tượng về những vẻ đẹp bình dị, thầm lặng và lặng lẽ tỏa sáng trong những câu thơ chân thành mà không thiếu vẻ nồng nàn kiêu hãnh khi nói về quê hương xứ sở, thiên nhiên hoang dại và sáng trong, về tình yêu và tình yêu con người trong một thế giới rất nhiều đổ vỡ, thất vọng nhưng luôn hướng tới những vẻ đẹp cao cả, hoàn thiện...
Thơ Nguyễn Thị Hồng gây ấn tượng sâu sắc trong bạn đọc với những bài thơ như "Gọi thu", "Thu cảm", "Bình dị", "Lời tượng nhà mồ", "Lá cỏ"… Nhiều nhà phê bình văn học chung nhận định, thơ Nguyễn Thị Hồng không gây tiếng vang hay sự ồn ào, nhưng vẻ đẹp lặng lẽ của thi ca và tâm hồn khắc sâu vào lòng bạn đọc...
Theo nhà thơ Vũ Quần Phương: "Có thể coi thơ chị như một điển hình của thơ hướng nội... Chị đã đánh dấu tâm hồn mình vào không gian thơ của chị.."; "Bạn đọc nhanh chóng nhận ra ở thơ chị một phẩm chất thơ trữ tình lắng sâu, thấm thía – vốn đang thiếu trong nền thơ chúng ta lúc đó… Nguyễn Thị Hồng có một ưu thế kép hồn nhiên như trời cho là giản dị song sinh với tinh tế, trí tuệ kết tinh từ cảm xúc...".
Bốn thập kỷ gắn với thi ca, Nguyễn Thị Hồng đã có nhiều tác phẩm thơ được xuất bản: "Em ra đi" (1990), "Gọi thu" (1992), "Biển đêm" (1996), "Những bông hoa thiên sứ" (2001), "Cuộc bàn giao vĩnh cửu – Hồn khèn" (2003)… Bà cũng đã được trao nhiều giải thưởng văn học danh giá: Giải thưởng Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng Văn học Thăng Long 5 năm, Giải thưởng Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam…
NGUYỄN THỊ HỒNG
Bình dị
Em nguyên sơ như đất
Em nguyên sơ như cây
Em nguyên sơ như nắng
Như gió cao nguyên này
Một màu da của đất
Một cái nhìn của cây
Một tâm hồn của nắng
Của gió cao nguyên này
Giặc đến đất rung chuyển
Thành miệng núi lửa phun
Giặc đến cây tự biến
Thành muôn ngàn mũi tên
Giặc đến nắng và gió
Là lũy thành lòng em
Hết giặc rồi em gái
Lại trở về chính mình
Lại nguyên sơ như đất
Lại nguyên sơ như cây
Lại nguyên sơ như nắng
Như gió cao nguyên này
Em tự quên chính mình
Những phút thành dũng sĩ
Như núi rừng tự quên
Những phút thành chiến lũy
Lại trở về nguyên sơ
Cái màu xanh bình dị
Chư Prông, tháng 3/1983