Yêu

Thoát khỏi bạo lực

Anh Vũ (thực hiện) 14/11/2020 - 12:03 PM
Năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 25/11 hàng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. 20 năm qua, cả thế giới nỗ lực chung tay nhưng tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em, nhất là bạo lực gia đình vẫn luôn là một vấn đề nóng trên toàn cầu.

Có rất nhiều người phụ nữ thấy mình toàn tâm toàn ý với gia đình nhưng không hiểu sao vẫn bị bạo lực. Có phải người phụ nữ cũng góp phần vào gây ra bạo lực với chính mình hay không? Không bao giờ là như thế.

PNVN cùng trò chuyện với chị Lê Thị Phương Thúy - Trưởng phòng tư vấn và hỗ trợ, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TƯ Hội LHPN Việt Nam). Kinh nghiệm hỗ trợ hàng ngàn nạn nhân bạo lực gia đình của chị Thuý sẽ đem đến cho chúng ta những câu chuyện và cách thức để phòng chống bạo lực gia đình hiệu quả.

Thoát khỏi bạo lực - Ảnh 1.

Chị Lê Thị Phương Thúy - Trưởng phòng tư vấn và hỗ trợ, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TƯ Hội LHPN Việt Nam)

+ MC: Chị gắn bó với công việc đón những phụ nữ chạy trốn bạo lực gia đình, giúp họ bình tĩnh, hiểu những kỹ năng tối thiểu để bảo vệ mình, đồng thời hỗ trợ họ từng bước đối mặt và dũng cảm chiến đấu với bạo lực gia đình. Vậy qua thực tế chia sẻ với hàng ngàn phụ nữ bị bạo lực ấy, vì sao người đàn ông gây bạo lực với vợ, người yêu? 

Chị Lê Thị Phương Thúy: Nhiều người cho rằng người đàn ông gây bạo lực với vợ và người yêu của mình vì không yêu nữa, tức giận bởi chị ấy không hoàn thành nghĩa vụ của người yêu, người vợ truyền thống. Nhưng chúng ta cùng hiểu với nhau rằng, chúng ta đang có nhiều định kiến về vai trò của nam và nữ. Nữ thì phải tam tòng tứ đức, nam được tam cường ngũ thường, trong đó có quyền làm chủ gia đình và dạy vợ. Nam giới bạo lực vợ không phải vì anh ta nóng tính, đang khó khăn hay không còn yêu cô ấy nữa mà đơn giản là anh ta nghĩ mình có quyền gây bạo lực với người phụ nữ của mình. 

Chúng ta thấy một thực tế, người đàn ông nghiện rượu, khi say rượu anh ta không đánh người bán rượu chửi bới anh ta không trả tiền, không đánh bà mẹ đang quét lá ngoài sân mà tìm ra chuồng lợn đánh cô vợ mình bởi vì anh ta hiểu rằng nếu anh ta đánh cô vợ đấy thì không ai làm gì anh ta cả. Chúng ta phải nhìn thấy rằng, người đàn ông gây bạo lực với vợ vì anh ta nghĩ rằng anh ta có quyền và anh ta biết rằng gây bạo lực với vợ anh ta sẽ không làm sao cả chứ không phải vì lý do mang yếu tố gia tăng như nghiện ngập, thất nghiệp, nóng tính, do vợ thế nọ thế kia… Một người đàn ông gây bạo lực với phụ nữ có một phần định kiến của xã hội, định kiến của đàn ông và một chút cam chịu của người phụ nữ.

+ MC: Đa phần những phụ nữ bị bạo lực luôn chịu đựng điều đó trong một thời gian dài, khi tìm đến với các chị thường là đã bị dồn đến bước đường cùng. Chị thấy khi nào và những điều gì khiến người phụ nữ không còn muốn duy trì mối quan hệ với người chồng/người yêu gây bạo lực của mình? 

Chị Lê Thị Phương Thúy: Người phụ nữ Việt Nam được giáo dục để làm một người phụ nữ tốt, một người vợ tốt, một người mẹ tốt theo tư tưởng truyền thống là cam chịu, là hy sinh nên chúng ta thấy nhiều người phụ nữ sẵn sàng không tranh luận với chồng là rau muống luộc hay rau muống xào, sẵn sàng nhường chồng cả 7 bữa rau muống xào. Họ quên mất rằng họ nhường chồng hết lần này đến lần khác đã gieo vào đầu anh ta tư tưởng anh ta có quyền và chị ấy phải có trách nhiệm hy sinh. Nhiều người phụ nữ được giáo dục sự hy sinh, chiều chồng là nghĩa vụ của người phụ nữ. 

Khi nào người phụ nữ không tiếp tục hy sinh, không tiếp tục chiều nữa? Đấy là khi quyền và lợi ích hợp pháp của con họ bị vi phạm, sự tồn tại an toàn của gia đình bị ảnh hưởng. Chị ấy sẽ tìm sự trợ giúp để đảm bảo tính mạng, đảm bảo sức khoẻ và sự phát triển của con. Khi người phụ nữ đã nói ra câu chuyện bị bạo lực của mình có nghĩa là sự chịu đựng của họ đã bị dồn nén bao lâu rồi. Người làm việc chuyên nghiệp khi nghe tâm sự của người phụ nữ bị bạo lực nghĩa là họ không chịu đựng được nữa, cần sự giúp đỡ, mở rộng vòng tay hỗ trợ chị ấy. Đừng nghĩ rằng khi người ta nói ra là người ta kêu là hay phàn nàn mà thực chất là sự kêu cứu, đã tuyệt vọng và không chịu đựng được nữa.   

+ MC: Vậy những căn cứ nào để các chị cùng xây dựng Kế hoạch đảm bảo an toàn và giải quyết vấn đề cho các nạn nhân bạo lực gia đình? Điều gì được các chị quan tâm nhất và giúp các nạn nhân hiệu quả? 

Chị Lê Thị Phương Thúy: Chúng tôi có khung đánh giá về sự an toàn, mất an toàn, khung đánh giá về sự rủi ro, khung đánh giá nhận biết mối quan hệ gây hại. Trong mối quan hệ gây hại ấy chúng tôi phân tích để chị ấy hiểu đã chịu đựng vòng tròn bạo lực như thế nào, đã chịu đựng những thủ đoạn gây bạo lực của người đàn ông. Chị ấy sẽ nhìn thấy rõ cách anh ta kiểm soát chị ấy như thế nào, cách anh ta thống trị và áp đặt quyền lực của anh ta như thế nào, để chị ấy dần dần chấp nhận mối quan hệ bạo lực, mối quan hệ gây hại ấy. Lúc đó, chúng tôi và chị ấy nhận thức mối quan hệ ấy nguy hiểm đến mức độ như thế nào. 

Trên cơ sở nhận biết các mối nguy hiểm, chúng tôi cùng chị ấy xây dựng các kế hoạch an toàn để ứng phó lại các mối nguy hiểm đó. Cùng làm việc với nhau, chị ấy nhận thức rõ mức độ bạo lực, nhận thức rõ quyền của chị ấy và nhận thức rõ con đường thoát khỏi câu chuyện bạo lực. Chị ấy là người ra quyết định để thực hiện kế hoạch an toàn đó.   

+ MC: Thực tế, tình trạng bạo lực có chấm dứt không? 

Chị Lê Thị Phương Thúy: Khi nói về sự chấm dứt bạo lực chúng ta không thể nói một ai đấy có thể chấm dứt bạo lực một cách triệt để. Trong vòng tròn bạo lực có một sự quen áp đặt  quyền lực, quen kiểm soát của người gây bạo lực và nạn nhân đã cam chịu câu chuyện bạo lực này rất lâu rồi, chị ấy không thể tự thoát khỏi vòng tròn bạo lực được. Còn người quen hành vi kiểm soát và thống trị bạo lực mà không dừng hành vi bạo lực lại thì câu chuyện bạo lực không bao giờ chấm dứt. Nạn nhân bị bạo lực sẽ cùng người trợ giúp nhận biết chu trình bạo lực ấy đang ở mức độ nào. Nếu chị ấy nhận thức được người đàn ông đang phát triển những nguy hiểm, cho rằng người phụ này có lỗi và phải chịu trách nhiệm về sự bực tức, không đáp ứng được mong muốn của anh ta, chị sẽ chuyển hoá. Nếu anh ta manh nha có sự đòi hỏi, chị sẽ nhận ra anh ta bắt đầu áp đặt lên mình và từ chối ngay đòi hỏi vô lý của anh ta. Nếu chị ấy từ chối được một lần sẽ từ chối được lần thứ hai và anh ta quen với việc chị ấy không chấp nhận những đòi hỏi vô lý. Đó là bước đầu tiên. Tiếp theo là chuẩn bị kế hoạch an toàn khi anh ta chuẩn bị "bùng nổ". Chị sẽ không ở những nơi nguy hiểm, không ở những nơi có dao, có kéo, không ở trong buồng kín, phải đi ra khỏi nhà, trao đổi với con cái đi gọi người trợ giúp khi anh ta chuẩn bị bùng nổ. Chị ấy cũng sẽ không tạo cơ hội để anh ta bùng nổ, mình khéo léo để được an toàn. 

Người đàn ông gây bạo lực xong sẽ có hành vi mua chuộc, dụ dỗ để người phụ nữ yên tâm rằng anh ta thay đổi. Nhiều người phụ nữ bị mua chuộc trong giai đoạn này, giai đoạn tuần trăng mật, giai đoạn giả vờ quan tâm, giả vờ xin lỗi. Người phụ nữ cần tỉnh táo, không để mua chuộc như thế. Hãy hiểu cái tát đầu tiên, nhát sao cuối cùng. Có cái tát đầu tiên sẽ có cái tát thứ hai, có cái tát thứ ba, cái đấm, cái đá, con dao. Có thể chấm dứt bạo lực ở giai đoạn mua chuộc. 

Để chấm dứt câu chuyện bạo lực này, chúng ta phải khẳng định một điều: Người đàn ông có trách nhiệm dừng câu chuyện bạo lực, còn người phụ nữ phải đảm bảo sự an toàn của mình và của con. 

Trong câu chuyện chấm dứt bạo lực này, người phụ nữ không thể làm một mình mà cần sự đồng hành của các dịch vụ xã hội, liên quan đến trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý, có thể gỡ bỏ rào cản về nghèo đói, văn hoá, việc làm, những vấn đề sinh kế, kỹ năng sống.   

Thoát khỏi bạo lực - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

+ MC: Các nạn nhân phải đối mặt với bạo lực có thể cầu cứu hỗ trợ, giúp đỡ từ đâu? 

Chị Lê Thị Phương Thúy: Chúng ta đang muốn thiết lập một gói dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng. Gói dịch vụ thiết yếu ấy phải có sự phối hợp của công an, cảnh sát, từ sự trợ giúp pháp lý, từ phía y tế, từ phía các dịch vụ xã hội khác như địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh, những vấn đề giáo dục, sinh kế, kỹ năng. 

Hiện nay, gói dịch vụ thiết yếu ấy ở Việt Nam đều có ở các ban ngành liên quan. Một người phụ nữ bị bạo lực chắc chắn phải đến công an để báo cáo. Cần phải có biên bản, bản tường trình để công an làm việc chính thức về vấn đề này. Theo luật, công an phải chịu trách nhiệm ngăn cản hành vi bạo lực tiếp theo. Chủ tịch UBND phải có trách nhiệm ra những  quyết định để đảm bảo an toàn cho công dân trên địa bàn. Mức độ cao nhất phải ra quyết định cao nhất của UBND là lệnh cấm tiếp xúc. Còn nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực giới nói chung đã có quy trình ngành y tế để đón tiếp, để chữa trị, để phối hợp với các ngành khác. 

Bên cạnh đó, nạn nhân có thể đến yêu cầu trợ giúp pháp lý của tỉnh hoặc đến các trung tâm công tác xã hội, trung tâm bảo trợ xã hội để tạm lánh trực tiếp, sau đó yêu cầu địa phương trợ giúp pháp lý để đảm bảo an toàn và giáo dục thủ phạm, người gây bạo lực. Chúng ta cũng có những địa chỉ đặc thù như Ngôi nhà bình yên, đầu số 111 bảo vệ trẻ em, các địa chỉ tạm lánh, đầu số 1900969680 để hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực giới, cung cấp các cơ quan liên quan để giúp đỡ. 

+ MC: Xin cám ơn chị!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn