pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thoát nghèo nhờ sự nhạy bén
Cùng với phát triển kinh tế tại địa phương, gia đình chị Phạm Thị Đượm (thôn Sơn Thọ 1, xã Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình) đã tích cực tham gia phát triển kinh tế, bằng nhiều nghành nghề và hình thức khác nhau, để có được kinh tế vững chắc.
Năm 2003, do mô hình chuyển đổi cơ cấu đất nông nghiệp, gia đình chị Đượm đã được xã cho chuyển đổi diện tích 1 ha sào lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản. Biết chồng là người chịu khó, nên chị đã bàn với anh để làm đầm nuôi tôm, cua, cá, cá vược, cá song.
Ban đầu, khi bắt đầu làm đầm nuôi tuôi, hai vợ chồng anh chị chưa được áp dụng công nghệ nuôi tôm công nghệ cao, nên cũng như những người dân nuôi tôm trên địa bàn, anh chị chỉ nuôi được 2 vụ/năm. Vì vậy, năng suất sản lượng nuôi tôm bị sụt giảm do chưa có được giống tôm chất lượng, nguồn nước chưa đảm bảo được vệ sinh sạch sẽ, phương pháp nuôi tôm còn theo cách quản canh cải tiến, chưa quản lý, kiểm soát, xử lý được chất lượng nước trước khi đi vào nuôi thả.
Mấy năm trở lại đây, cùng các hộ nuôi tôm quanh địa bàn sử dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, gia đình chị Đượm đã áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm, nâng sản lượng nuôi từ 2 lên 4 vụ/năm, năng suất nuôi trồng từ khoảng 10-15 tấn/ha/vụ, cao gấp 10 - 15 lần so với nuôi theo hình thức bán thâm canh.
Nhờ đó, doanh thu của việc kinh doanh cũng cao hơn so với trước. Ngoài việc nuôi tôm và cua, gia đình chị đã đầu tư cải tạo thêm 700m2 để làm trang trại nuôi gà đẻ trứng với quy mô trên 10.000 con. Lượng gà đẻ trứng bình quân 3.500 – 4.000 con/tháng. Thu nhập từ nuôi gà cho doanh thu từ 20 triệu đến 25 triệu đồng/tháng.
Nhằm hướng đến mô hình chăn nuôi sạch, chị Đượm đã tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về kinh doanh, mô hình chăn nuôi sạch tại các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã và Hội Doanh nghiệp huyện tổ chức. Từ các lớp học, chị được trao đổi kinh nghiệm và có thêm những mối quan hệ đồng nghiệp và bạn hàng mới. Vì vậy, việc sản xuất, kinh doanh của gia đình cũng ngày một thuận lợi hơn.
Năm 2007, vợ chồng chị bàn nhau thành lập doanh nghiệp xây dựng Đông Trung, công ty nhận thầu các công trình xây dựng các loại. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình chị cũng nhận được nhiều công trình xây dựng cơ bản như trạm xá, trường học, trụ sở UBND xã. Nhận thấy nhu cầu sử dụng gạch không nung trên thị trường ngày càng tăng, gia đình chị đã mua máy móc, thiết bị và cát đá, thuê nhân công làm gạch ép, không nung, cung cấp cho các công trình xây.
Do bắt kịp với thị hiếu, gia đình chị Đượm đã được nhiều công ty xây dựng trên địa bàn đặt hàng, cung cấp và vận chuyển đến các công trình. Từ việc sản xuất gạch này, gia đình chị đã tạo việc làm ổn định cho 12 đến 15 lao động, thu nhập bình quân của mỗi lao động từ 5.000.000đ- 7.000.000đ.
Mặc dù sản xuất, kinh doanh trên nhiều mặt, gia đình chị cũng rất chú ý đến vấn đề môi trường, mô hình nuôi tôm công nghệ cao không ảnh hưởng đến môi trường nước, việc nuôi gà đẻ tập trung để lấy trứng được vận dụng nuôi công nghiệp, hệ thống chuồng trại đảm bảo vệ sinh, đủ ánh sáng, nhiệt độ, việc sản xuất gạch không nung không có chất thải ra môi trường.
Hàng năm, từ các nguồn thu tôm, cua, gà đẻ trứng, sản xuất gạch không nung, trừ chi phí, gia đình chị đạt thu nhập được từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.
Nhiều năm qua, gia đình chị Đượm luôn được chính quyền địa phương đánh giá là doanh nghiệp sản xuất giỏi, được ban công tác mặt trận thôn bình xét đạt gia đình văn hóa, được Ủy ban nhân dân xã khen thưởng hộ gia đình làm kinh tế giỏi.