Theo TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, số người mắc bệnh tiểu đường ở Việt Nam đang gia tăng chóng mặt. Trong 10 năm qua, số người bị đái tháo đường tăng gần gấp đôi, từ 3% đến gần 6% dân số.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi đái tháo đường là đại dịch. Tỷ lệ người mắc đái tháo đường ở Việt Nam gần như ở nhóm cao nhất trên thế giới, với khoảng 3,5 triệu người; mỗi ngày sẽ có ít nhất 80 người Việt tử vong vì các biến chứng liên quan đến tiểu đường. Trong đó, 63% người mắc bệnh chưa được chẩn đoán và 70% bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 chưa đạt mục tiêu điều trị.
Sở dĩ, đái tháo đường ở Việt Nam tăng nhanh do thói quen ăn uống thiếu khoa học, lười vận động của người dân. “Nhiều phụ nữ văn phòng khi bị căng thẳng thường tìm đến đồ ăn vặt mà không biết rằng thói quen này có thể dẫn đến béo phì và dễ mắc tiểu đường. Ngoài ra, việc ngồi nhiều, ít vận động cũng là nguyên nhân dẫn dẫn đến căn bệnh này”, TS Dương cho biết.
Cũng theo TS Dương, tiểu đường gây nhiều biến chứng nguy hiểm như biến chứng tim mạch, thận, mắt… Tuy nhiên, hiện nhiều người dân vẫn chủ quan trước căn bệnh này, vì tiểu đường thường diễn biến âm thầm.
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tiểu đường cũng như tay nghề của bác sĩ trong chuẩn đoán và điều trị căn bệnh này, chiều ngày 23/4, tại Hà Nội, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam và Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình Hợp tác Đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn điều trị bệnh đái tháo đường và Chương trình giáo dục bệnh nhân đái tháo đường. Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao trình độ cho hơn 2.000 bác sĩ về chẩn đoán và điều trị tiểu đường; nâng cao nhận thức giúp bệnh nhân đái tháo đường dễ dàng quản lý bệnh tại nhà, đảm bảo tuân thủ thuốc trong quá trình điều trị và nâng cao hiệu quả kiểm soát đường huyết.
“Mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia để dự phòng mắc đái tháo đường nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung”, TS Phan Hướng Dương khuyến cáo.
TS Dương cho biết thêm, chị em, đặc biệt là những người làm văn phòng khi căng thẳng, cũng không nên xả stress bằng đồ ăn vặt. Thay vào đó, có thể đứng dậy và vận động nhẹ, đi thể thao, chia sẻ với người dân, bạn bè… Nngười mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc. Do đó, để có thể phát hiện sớm bệnh, người bình thường thì trên 40 tuổi nên đi xét nghiệm đường máu định kỳ 6 tháng/lần. Những người có yếu tố nguy cơ cao như thừa cân, béo phì, gia đình có người mắc tiểu đường thì nên đi kiểm tra sớm, kể cả còn trẻ. Bởi tiểu đường đang trẻ hóa, có trường hợp dưới 10 tuổi đã mắc tiểu đường tuýp 2.