pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thói quen tắt bếp các gia đình đang thực hiện vẫn chưa đủ đảm bảo an toàn
Bếp là một loại thiết bị nấu nướng đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong mọi gia đình. Nếu như trước kia, loại bếp phổ biến và thường được bắt gặp nhiều nhất là bếp gas, thì hiện nay đã xuất hiện thêm và được ưa chuộng không kém là bếp bếp từ.
Nguyên lý hoạt động của bếp từ được đánh giá là đơn giản và an toàn hơn so với bếp gas. Thiết bị hoạt động dựa trên hiện tượng từ tính. Khi bật bếp, dòng điện sẽ chạy qua cuộn dây đồng đặt dưới mặt kính bếp và sinh ra dòng từ trường trong phạm vi vài milimet trên mặt bếp. Lúc này, chúng sẽ kết hợp lại, đưa nhiệt độ làm nóng đáy nồi, từ đó làm chín thức ăn bên trong.
Bên cạnh đó, bếp từ cũng được chứng minh là tiết kiệm năng lượng hơn, làm chính thức ăn nhanh hơn so với bếp gas. Việc lắp đặt bếp từ đơn giản và thường là bếp âm tủ, từ đó đem lại thẩm mỹ cao cho căn bếp.
Bếp từ ngày càng được ưa chuộng bởi tính thẩm mỹ và khả năng tiết kiệm năng lượng (Ảnh minh họa)
Khi dùng bếp từ, người dùng chỉ đơn giản ấn vào nút từ cảm ứng, được lắp đặt sẵn ngay trên mặt bếp. Các nút này vừa để tắt bật, vừa cũng có thể điều chỉnh mức độ nhiệt. Tuy nhiên chính những chiếc nút này đôi khi cũng vô tình tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm. Điều này bắt nguồn từ thói quen mà đến 99% các gia đình thực hiện hằng ngày.
Đó là khi nấu ăn xong, không có nhu cầu sử dụng nữa, người ta thường chỉ ấn nút tắt bếp. Song các chuyên gia cho rằng, chỉ vậy vẫn là chưa đủ. Bởi đặc tính cảm ứng, nên không chỉ là bàn tay con người, mà bất kỳ vật gì như chân động vật, các loại nồi, niêu, xoong, chảo hay các vật dụng khác vô tình đặt lên, cũng có thể khiến bếp khởi động.
Đã có rất nhiều trường hợp bếp từ xảy ra các sự cố do sự vô tình như trên của người dùng. Khi bếp vô tình được khởi động mà người dùng không biết, nó có thể gây cháy đồ vật hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn là gây bỏng cho con người.
Theo các chuyên gia về đồ gia dụng hay các thiết bị điện tử, nếu trong thời gian dài, ví dụ như để qua đêm hoặc qua vài ngày gia đình không có ai, tốt hơn hết nên ngắt hoàn toàn nguồn điện khỏi bếp từ, nhằm phòng tránh tai nạn bất ngờ xảy ra. Phương pháp này có thể thực hiện bằng cách lắp đặt thêm aptomat cho bếp từ. Đây cũng hướng giải quyết được nhiều nhân viên kỹ thuật khuyên người dùng nên làm khi mới trang bị bếp từ.
Lắp đặt aptomat cho bếp từ là việc làm được nhiều chuyên gia khuyến khích (Ảnh minh họa)
Aptomat là dụng cụ để ngắt mạch điện, bảo vệ nguồn điện khi bị quá tải, ngắn mạch, sụt áp... khi có sự cố, đảm bảo rủi ro về điện không ảnh hưởng đến các thiết bị điện khác trong mạng lưới điện gia đình.
Hiện nay, aptomat thường chủ yếu được lắp đặt riêng cho những thiết bị điện có công suất lớn như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt... Riêng với bếp từ, nhiều gia đình sử dụng bếp có công suất nhỏ như bếp đơn, việc lắp đặt aptomat trên thực tế không phải là bắt buộc. Tuy nhiên, việc lắp đặt aptomat sẽ giúp người dùng có công cụ để ngắt điện trong thời gian dài không sử dụng, đảm bảo an toàn cho chính thiết bị cũng như chính các thành viên trong gia đình. Các chuyên gia đánh giá, đây là một cách làm thông minh.
Ngoài ra, aptomat cũng phục vụ cho việc duy trì bếp ở một công suất ổn định, ngay cả khi các thiết bị điện khác trong nhà được đồng loạn sử dụng.
Những phương pháp giúp việc dùng bếp từ bền hơn, an toàn hơn
Bên cạnh việc trang bị aptomat để quá trình sử dụng bếp từ được an toàn và đảm bảo hơn. Dưới đây cũng là một số lưu ý khác, giúp người dùng sử dụng bếp một cách an toàn, lâu bền.
1. Thường xuyên vệ sinh bếp
Bếp từ sau thời gian dài sử dụng sẽ xuất hiện những vết dầu mỡ hoặc vụn thức ăn thừa, cháy khét, bám chặt trên bề mặt kính. Vấn đề này không chỉ khiến bếp mất thẩm mỹ mà còn làm giảm khả năng gia nhiệt, gây hao tốn điện năng sử dụng của thiết bị. Lâu dần, nó có thể gây mất chênh lệch nhiệt độ, nghiêm trọng hơn là nứt vỡ mặt kính bếp.
Chính vì vậy, tốt hơn hết hàng ngày mỗi khi sử dụng xong, người dùng hãy đợi khoảng 15 - 20 phút cho bếp nguội, rồi dùng khăn vải mềm cùng chất tẩy rửa chuyên dụng để vệ sinh bếp. Việc này vừa giúp bếp được bền hơn, sử dụng tốt hơn và tiết kiệm thời gian, công sức hơn so với những lần tổng vệ sinh cuối tuần.
Nên vệ sinh bếp hàng ngày, sau khi nấu ăn xong khoảng 15 - 20 phút (Ảnh minh họa)
2. Sử dụng bếp ở nhiệt độ phù hợp
Khi nấu ăn, dù là với bếp từ hay bất kỳ loại bếp nào khác, nhiều người dùng thường quan niệm rằng cứ bật ở nhiệt độ cao nhất liên tục, thì thức ăn sẽ chín nhanh hơn. Tuy nhiên đây là điều sai lầm.
Theo các chuyên gia, đặc biệt là với bếp từ, việc nấu ở nhiệt độ cao liên tục sẽ làm tăng điện năng tiêu thụ đồng thời ăn mòn bếp nhanh hơn. Người dùng chỉ nên sử dụng nhiệt độ tối đa trong khoảng vài phút của đầu chu trình nấu nướng, sau đó chuyển về chế độ trung bình hoặc thấp.
Ngoài ra trên bếp cũng có nhiều các chế độ khác để đảm bảo an toàn, điển hình là tính năng "khóa trẻ em". Người dùng, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ hoặc thú cưng rất nên sử dụng tính năng này thường xuyên.
Không nấu nướng ở nhiệt độ cao nhất trong thời gian dài (Ảnh minh họa)
3. Lựa chọn nồi phù hợp
Khác với bếp gas, bếp từ được đánh giá "kén" nồi hơn. Vì vậy người dùng cần trang bị riêng một bộ nồi riêng, phù hợp với bếp, giúp nấu ăn hiệu quả và không gây lãng phí điện năng.
Nồi dùng cho bếp từ nên được làm bằng inox, gang, sắt hoặc thép không gỉ. Những chất liệu này có khả năng nhiễm từ và hấp thụ nhiệt tốt, giúp tiết kiệm năng lượng và đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, ưu tiên lựa chọn các loại có đáy bằng phẳng. Việc đáy nồi không bằng phẳng khi được trang trí trí quá nhiều cũng sẽ ảnh hưởng phần nào tới khả năng hấp thụ và truyền nhiệt từ bếp đến nồi xoong. Từ đó, thức ăn trong nồi sẽ xảy ra tình trạng chín không đều, gây bất tiện trong quá trình sử dụng.
Khi chọn mua nồi cho bếp từ, cũng nên cân đối dựa trên kích thước của bếp, không nên mua nồi quá to hay quá nhỏ so với bếp. Người dùng cũng có thể xem dưới đáy nồi, nếu có ký hiệu cuộn dây điện trở từ trường như hình ảnh dưới đây, thì sản phẩm đó phù hợp dùng trên bếp từ.
Tham khảo các ký hiệu dưới đáy nồi để lựa chọn sao cho phù hợp (Ảnh minh họa)