Thông báo rút kinh nghiệm trong tổ chức Đại hội Phụ nữ cấp tỉnh

04/11/2016 - 11:16
Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPNVN vừa ban hành Thông báo số 60/TB-ĐCT rút kinh nghiệm chỉ đạo điểm Đại hội đại biểu phụ nữ cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Dưới đây là toàn văn Thông báo.

 

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM

ĐOÀN CHỦ TỊCH

Số: 60/TB-ĐCT

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2016

THÔNG BÁO

Rút kinh nghiệm chỉ đạo điểm Đại hội đại biểu Phụ nữ cấp tỉnh
Nhiệm kỳ 2016-2021

           

Thực hiện Kế hoạch số 67/KH-ĐCT ngày 20/5/2016 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam về chỉ đạo điểm Đại hội đại biểu Phụ nữ cấp tỉnh, các Đoàn công tác của Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Ban Thường vụ Hội LHPN 8 tỉnh, thành phố (Hà Giang, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Nghệ An và Thái Bình) hoàn thành việc tổ chức điểm Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Sau Đại hội, các đoàn công tác của Trung ương Hội đã tổ chức họp rút kinh nghiệm theo Cụm thi đua. Nhìn chung, đại hội 8 tỉnh điểm đã diễn ra thành công tốt đẹp, cơ bản bảo đảm các yêu cầu theo Chỉ thị 48-CT/TW ngày 9/9/2015 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII và các văn bản chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch. Để giúp các tỉnh, thành, đơn vị trong toàn quốc tổ chức thành công Đại hội, Đoàn Chủ tịch đề nghị Ban Thường vụ Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị lưu ý một số vấn đề sau:

  1. Về chương trình Đại hội
Thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đảm bảo thời gian tổ chức Đại hội; trường hợp đặc biệt (các tỉnh khó khăn, bão lũ...) có thể rút ngắn trên cơ sở có sự đồng ý của Thường trực Đoàn Chủ tịch phụ trách cụm và cấp ủy; Nội dung thảo luận văn kiện cấp trên có thể đưa vào phiên trù bị của Đại hội để tận dụng tốt thời gian phiên trù bị để đại biểu có thời gian nghiên cứu, thảo luận sâu, đồng thời tăng được số lượng tham luận, thảo luận tại phiên chính thức; báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc nên trình bày sau các tham luận.

Trong buổi khai mạc nên có ít nhất 02 đến 03 tham luận điển hình, ấn tượng ghi nhận được phong trào phụ nữ, kết quả hoạt động Hội trước khi lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo Hội phát biểu.

Đối với những đơn vị được đón nhận hình thức khen cao nên bố trí sau báo cáo chính trị, báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu và 01 tham luận hoặc cuối buổi khai mạc để minh họa cho kết quả được đón nhận, đồng thời thay cho diễn văn của lễ đón nhận.

Phần biểu quyết các chỉ tiêu cơ bản thực hiện khi có nhiều ý kiến khác nhau. Trường hợp các đại biểu thống nhất với Báo cáo thì chỉ cần đưa vào Nghị quyết và biểu quyết thông qua Nghị quyết.
  1. Về các Báo cáo trình bày tại Đại hội
Báo cáo chính trị: phải đảm bảo vừa thể hiện tinh thần biểu dương những kết quả đạt được với những kết quả cụ thể, mang nét đặc thù riêng của từng địa phương, đơn vị; việc xác định các chỉ tiêu cần có sự lựa chọn, không nên dàn trải quá nhiều hoặc đưa ra các chỉ tiêu không sát thực với Hội; đồng thời, cập nhật Dự thảo báo cáo mới nhất của Trung ương (gửi tháng 9/2016) để nghiên cứu, xây dựng phù hợp với địa phương. Nếu các chỉ tiêu nêu ra còn có nhiều ý kiến khác nhau cần dành thời gian để đại biểu thảo luận và biểu quyết để đi đến thống nhất.

Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành: cần bám theo các nhiệm vụ của Ban Chấp hành đã được quy định trong Điều lệ Hội và Quy chế Ban Chấp hành ban hành từ đầu nhiệm kỳ để kiểm điểm cho phù hợp; tránh sự trùng lặp giữa báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành;

Các tham luận cần bao quát các lĩnh vực hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ (tham luận về công tác chỉ đạo của cấp ủy, công tác phối hợp với các ngành và tham luận của cá nhân hội viên, phụ nữ tiêu biểu; tham luận/thảo luận về dự thảo Báo cáo Đại hội phụ nữ toàn quốc và Điều lệ Hội sửa đổi, bổ sung... Ngoài các tham luận nên có các ý kiến thảo luận, phát biểu tại hội trường). Bên cạnh nội dung tham luận về thành tích đạt được cần tập trung vào các đề xuất, các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay để phổ biến nhân rộng trong tỉnh; trao đổi kinh nghiệm, giải pháp thực hiện các nội dung nhiệm kỳ tới để Nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống. Chú ý đề xuất giải pháp thực hiện chỉ tiêu Đại hội và kiến nghị, đề xuất Cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ngành, các cấp Hội.

Thực hiện đa dạng hóa các hình thức trình bày tham luận tại Đại hội: báo cáo, trao đổi, thảo luận và kèm theo phóng sự hoặc clip hoặc hình ảnh minh họa… để tăng thêm chất lượng của tham luận, đồng thời tăng sự chú ý, cuốn hút đối với đại biểu.

Khi trình bày báo cáo chính trị có thể kết hợp chiếu phim phóng sự để minh họa nhưng cần chú ý hình ảnh minh họa phải gắn liền nội dung trình bày để tăng tính thuyết phục. Báo cáo trình bày tại Đại hội nên ngắn gọn, nêu nét chính, nổi bật và chọn người trong Thường trực có giọng đọc tốt để trình bày.
  1. Về góp ý văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc
Đề nghị xác định việc tham gia văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc; góp ý Điều lệ Hội sửa đổi, bổ sung là nhiệm vụ quan trọng của Đại hội đại biểu cấp tỉnh. Do đó, Đại hội cần dành thời gian thích đáng cho việc góp ý văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc, tập trung vào các vấn đề gợi ý, các vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Đặc biệt lưu ý thảo luận về chỉ tiêu hội viên mà TW giao cho tỉnh.

Nên giao nhiệm vụ chủ trì thảo luận cho các Trưởng đoàn đại biểu. Khi thực hiện việc chia tổ thảo luận, người điều hành cần phải khuyến khích để các đại biểu phát biểu ý kiến (yêu cầu đại biểu nghiên cứu tài liệu trước khi dự Đại hội); nghiêm túc thực hiện nội quy Đại hội.
  1. Bài phát biểu của lãnh đạo tỉnh

Cần gắn hơn nữa với việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2007 về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trên cơ sở đó giao nhiệm vụ cho cả hệ thống chính trị, chứ không chỉ giao cho Hội.

  1. Về điều hành Đại hội
Đề nghị phải có kịch bản tổng thể chi tiết toàn bộ nội dung Đại hội và tuân thủ kịch bản và linh hoạt khi xử lý các vấn đề phát sinh. Người điều hành phải thể hiện sự tự tin, có khả năng trình bày tốt, diễn đạt có cảm xúc. Trong một buổi không nên để quá nhiều người điều hành, nên phân công người điều hành theo từng chuyên đề, không cần thiết phải giới thiệu người lên điều hành và người lên đáp từ, cảm ơn.

Điều hành bầu cử phải dứt khoát, rõ ràng thể hiện quá trình chuẩn bị nhân sự dân chủ, công khai. Ban Bầu cử phải có phân công trách nhiệm của từng thành viên giám sát, tránh qua loa, hình thức.

Tại phiên họp Ban Chấp hành lần thứ nhất để bầu Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt: có thể bầu Tổ bầu cử một lần và sử dụng trong suốt thời gian Hội nghị nhưng phải được sự đồng ý của các ủy viên Ban Chấp hành tham dự Hội nghị. Biên bản bầu cử phải được lập cho từng lần bầu cử; có thể rút ngắn nội dung biên bản bầu cử để tiết kiệm thời gian nhưng không nên lập 01 biên bản bầu cử cho tất cả các chức danh và thông qua một lần. Có thể trình bày Đề án chung cho tất cả các chức danh nhưng khi bầu thì phải tiến hành bầu theo trình tự: Ban Thường vụ=> Chủ tịch=> Phó Chủ tịch.
  1. Đề án nhân sự
Cần có 2 đề án: (1) Đề án Ban Chấp hành trình tại Đại hội; (2) Đề án Ban Thường vụ, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch trình tại kỳ họp thứ nhất của Ban Chấp hành.

Đề án cần nêu cụ thể tiêu chuẩn về chuyên môn, chính trị đối với khối chuyên trách; tránh tình trạng danh sách trích ngang có trường hợp không ghi trình độ lý luận chính trị mà đề án đưa tiêu chuẩn có trình độ lý luận chính trị.
  1. Công tác tuyên truyền Đại hội
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền: truyền hình, báo, bản tin, panô, băng zôn, triển lãm ảnh, Thông tin phụ nữ…; nội dung tuyên truyền cần đánh giá được đầy đủ kết quả của cả nhiệm kỳ và ghi nhận công lao đóng góp của hội viên, phụ nữ và cán bộ Hội.

Chương trình văn nghệ chào mừng nên được kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung để phù hợp với Đại hội đại biểu phụ nữ; Những tỉnh/thành, đơn vị có điều kiện Truyền hình trực tiếp hoặc phát thanh trực tiếp nên thông báo tới cơ sở biết để theo dõi và coi đây là 1 buổi sinh hoạt hội viên.
  1. Công tác hậu cần
Phát huy vai trò của các Ủy viên Ban Chấp hành cơ cấu để huy động sự tham gia của các ngành trong tổ chức Đại hội. Cần huy động cộng đồng, các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng các công trình, tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội.

Bố trí sắp xếp hoa, quà chúc mừng Đại hội đảm bảo sự cân đối, hài hòa, bài trí trang trọng, đẹp mắt.

Phân công cán bộ phụ trách tất cả các khâu để đảm bảo việc thực hiện các nội dung nhịp nhàng, tiếp đón đại biểu chu đáo, lịch sự và thông tin, báo cáo kịp thời.

In, đặt biển tên và tài liệu truyền thông tại vị trí ngồi của từng đại biểu; sau khu kết thúc phiên khai mạc, chủ động sắp xếp lại chỗ ngồi tránh tình trạng để ghế trống.
Họp Ban Chấp hành phiên đầu tiên cần có phông tiêu đề cuộc họp.

Trên đây là những vấn đề rút kinh nghiệm trong chỉ đạo điểm Đại hội đại biểu Phụ nữ cấp tỉnh. Đề nghị Ban Thường vụ Hội LHPN các tỉnh, thành phố, đơn vị chưa tổ chức đại hội nghiên cứu, nghiêm túc thực hiện; các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng/phó các ban, đơn vị phụ trách cụm tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, thành, đơn vị tổ chức thành công Đại hội.

Nơi nhận:

                TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH

- BTV các tỉnh/thành Hội;

- Thành viên phụ trách Cụm;

- Các ban/đơn vị TW Hội;

- Lưu: VT TC (3b).

                    PHÓ CHỦ TỊCH

 

                           Đã ký

 

                   Trần Thị Hương

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm