Thông tin 'Sữa học đường' đến phụ huynh bị 'tam sao thất bản'

25/09/2018 - 19:12
Đó là khẳng định của ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, liên quan đến chương trình "Sữa học đường" được trao đổi tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 25/9.

Có sự “tam sao thất bản” về thông tin chương trình

Trả lời báo chí tại hội nghị, ông Phạm Xuân Tiến cho hay, trước khi chương trình “Sữa học đường” triển khai đến các nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai nội dung đến tất cả các trường để phụ huynh nghiên cứu và đăng ký tham gia trên tinh thần tự nguyện.

Tuy nhiên khi triển khai, thông tin đã có sự “tam sao thất bản”, theo ông Tiến. “Chúng tôi truyền đạt rằng chương trình đăng ký là hoàn toàn tự nguyện nhưng có khi hiệu trưởng quán triệt đến các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm lại nói với phụ huynh rằng bắt buộc đăng ký và đôi khi các trường lại nghĩ rằng vấn đề này liên quan đến thi đua”, ông Tiến giải thích.

tien.JPG
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến trả lời báo chí về chương trình "Sữa học đường" chiều 25/9. Ảnh: DH
 
 

Theo Phó giám đốc Phạm Xuân Tiến, quan điểm của Sở GD&ĐT là phải tuyên truyền cho phụ huynh tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích của chương trình “Sữa học đường” giúp ích gì cho con mình, ngân sách nhà nước bỏ ra bao nhiêu tiền cho chương trình này.

“Có những học sinh cơ địa không thích ứng với các thành phần của sữa thì không thể bắt các cháu uống được. Có những gia đình ý kiến rằng con cái họ uống sữa Mỹ, Úc đắt tiền hơn nhưng chưa chắc đã có thành phần được bổ sung trong chương trình sữa học đường cho nên cần đặt bài toán nên chọn cái gì”, ông Tiến cho hay.

Đang đấu thầu để tìm hãng sữa lớn

Một trong những thông tin được phụ huynh rất quan tâm là hãng sữa nào sẽ cung cấp sữa cho chương trình “Sữa học đường” và có đảm bảo chất lượng được hay không, làm thế nào để đảm bảo được cam kết về vệ sinh an toàn thực phẩm? Về điều này, ông Tiến cho biết, đây là bài toán liên quan đến kinh phí cần đấu thầu và hiện nay chỉ mới phát hành hồ sơ đấu thầu.

“Tuy nhiên chúng tôi tin chắc rằng phải là những hãng sữa lớn thì mới có thể đảm nhiệm được. Nếu mỗi ngày số học sinh Hà Nội tham gia là 90% sẽ tiêu thụ đến 1 triệu hộp sữa thì không thể là hãng sữa nhỏ được, còn những hãng sữa lớn rất quan tâm đến vấn đề chất lượng. Chỉ cần một bộ phận nhỏ học sinh uống sữa có vấn đề thì hãng sữa đó sẽ phá sản, thất thu, ảnh hưởng đến thương hiệu trên thị trường”, ông Tiến nói.

Chính lý do này nên theo ông Tiến, phụ huynh cần phải chờ kết quả từ Sở GD&ĐT Hà Nội mới có thể thông tin được.

Còn về tiêu chuẩn sữa học đường, ông Tiến cho hay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã làm việc với Bộ Y tế, việc bổ sung thành phần như thế nào để đảm bảo mục tiêu của chương trình cũng phải có ý kiến của Bộ Y tế.

“Dù là hãng sữa nào thì phụ huynh hãy hoàn toàn yên tâm, đảm bảo về chất lượng”, ông Tiến nhấn mạnh thêm.

Trước băn khoăn liệu giá sữa có cao so với đại lý, ông Tiến khẳng định giá sữa 6.800 đồng/hộp mới chỉ mang tính tham khảo một số hãng trên thị trường chứ chưa phải giá cuối cùng. Hiện đang trong quá trình đấu thầu, đến tháng 10 mới bắt đầu.

Đối tượng áp dụng của "Sữa học đường" là trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội và phụ huynh của các đối tượng này tham gia đề án sữa học đường. Doanh nghiệp cung cấp sữa, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức, thực hiện Đề án Chương trình "Sữa học đường" trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thời gian thụ hưởng là theo năm học, từ năm học 2018 - 2019 đến hết năm 2020. Về định mức, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống 1 lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.

Về cơ chế hỗ trợ, đóng góp, ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Riêng đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo (theo quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND Thành phố ban hành), học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách theo quy định của Nhà nước: Ngân sách hỗ trợ 50%; doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm