Thư bố gửi con gái: "Đừng nghĩ mình còn trẻ, làm gì cũng là quá sớm"

Thiên An
26/09/2022 - 09:07
Bức thư này đã được rất nhiều bậc phụ huynh truyền tay nhau. Ai nấy đều gật gù rằng đây chính là những lời mình muốn gửi gắm đến con cái từ lâu mà chưa thể cất thành lời...

Ngô Huy - ông bố trong bức thư là Phó Giáo sư Khoa Báo chí và Truyền thông tại Học viện Nhân văn thuộc Đại học Kinh tế tài chính Giang Tây (Trung Quốc). Con gái ông - Ngô Dương hiện theo học chuyên ngành tiếng Anh, Đại học Lâm Nghiệp Tây Nam (Trung Quốc). Bản thân Ngô Huy từng là giáo viên cấp 1 và cấp 2 suốt 10 năm. Gần 30 tuổi, ông mới bắt đầu học cao học, sau đó lần lượt đạt học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ và trở thành giảng viên đại học.

Bức thư này được Ngô Huy viết năm con gái ông còn học lớp 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học quan trọng. Bức thư sau khi được lan truyền trên MXH đã được chia sẻ lại với tốc độ chóng mặt. Ai nấy đều cảm thấy xúc động và đồng cảm với những tâm sự chân thành trong bức thư.

Con gái thân yêu,

Thời gian nhanh như thoi đưa. Chớp mắt một cái, con không còn là cô bé buộc tóc hai bên, bập bẹ nói, chạy lon ton khắp sân nhà mà đã trở thành thiếu nữ, chẳng mấy chốc nữa sẽ bước vào cánh cổng đại học. 18 tuổi, theo lý mà nói đã là người trưởng thành, và bố đáng ra không nên có điều gì lo âu nữa. Thế nhưng từ khi sinh ra đến nay, con chưa từng đi đâu xa, bố luôn sợ sống xa gia đình, con sẽ chẳng thể chăm lo cho mình được tốt. Con nói con muốn học gần nhà, bố hiểu và ủng hộ. Bầu trời ngoài kia rộng lớn là thế, con có thể dang rộng đôi cánh mà bay lượn.

Con không thích bố dông dài nhưng bố vẫn có vài lời muốn nói con nghe trước khi con nhập học. Nó có thể không giúp ích được gì cho con nhưng nó vẫn là niềm an ủi với bố.

Thư bố gửi con gái: "Đừng nghĩ mình còn trẻ, làm gì cũng là quá sớm" - Ảnh 2.

01. Về đạo đức

Đạo đức nằm ở hành động, lòng tốt không thể chỉ tồn tại trong tim

Trở thành một người có đức là đạo lý không hề mới mẻ, điều bố muốn dặn con chủ yếu là làm cách nào để trở thành một người có đức. Đạo đức trước hết phải nằm ở hành động và lòng tốt không thể chỉ tồn tại trong tim. Bố nhớ có một lần trên xe bus, bố nhường ghế của mình cho một cụ già. Lúc đó cả con và chị gái con đều nói, không ngờ bố lại nhường ghế của mình như thế.

Bố đã hỏi con, đây không phải là điều các thầy cô vẫn dạy con ư? Con nói vâng, chỉ là con cảm thấy hơi ngại khi làm thế. Bố hiểu tâm lý của người trẻ bây giờ, khi bố lần đầu giúp đỡ người khác, bố cũng rất để ý đến ánh mắt của người xung quanh. Bây giờ nghĩ lại bố mới thấy nó chẳng cần thiết chút nào. Làm việc tốt, không tư lợi, tại sao phải lo lắng sợ hãi? 

Trong cuộc sống có rất nhiều việc nhỏ, chỉ cần bạn giơ tay ra cũng có thể làm được, đó cũng là một loại tử tế. Đừng keo kiệt khi con có thể giúp đỡ người khác. Thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhờ những nỗ lực của con.

02. Về chuyên môn

Chọn ngành theo sở thích, đừng theo lợi ích

Điểm tốt điểm xấu của các ngành nghề đều có mang tính tương đối. Một ngành học hiện rất hot không có nghĩa tương lai nó vẫn được yêu thích. Đừng dùng tiêu chuẩn lợi ích ra để phán đoán một ngành học/ ngành nghề là tốt hay xấu. 

Chọn ngành chính là chọn sở thích. Dù ngành đó hot hay không, lương cao hay thấp, nếu con không thích nó, nó cũng là vô nghĩa. Coi đam mê như tiêu chuẩn chắc chắn sẽ ổn định hơn dùng lợi ích làm tiêu chuẩn. Thú vui trong đời đôi lúc đơn giản lắm con ạ, đơn giản là được làm việc mình có hứng thú, đọc cuốn sách mình muốn đọc... Nói chung, hãy cứ chọn thứ con thích, học thứ con thích, con sẽ cảm thấy hạnh phúc khi làm việc và chất lượng cuộc sống cũng theo đó mà tăng lên. 

Thư bố gửi con gái: "Đừng nghĩ mình còn trẻ, làm gì cũng là quá sớm" - Ảnh 3.

Ở bất kỳ chuyên ngành nào, chỉ cần con học đủ tốt, con sẽ không bao giờ phải lo lắng về việc liệu mình có đạt được thành tựu như người khác hay không. Cũng giống như đi du lịch vậy, chỉ cần con đi đủ xa, con có thể nhìn thấy những cảnh đẹp mà người khác chưa chắc đã thấy. Với sự phát triển không ngừng của xã hội loài người, các ngành nghề được phân loại rõ hơn nhưng rõ ràng, chúng không thể tách biệt nhau hoàn toàn như nước sông và nước giếng. Mỗi ngành nghề là một cách để tìm hiểu về thế giới này, học hỏi càng nhiều, con sẽ càng trở nên minh triết.

03. Về sự cạnh tranh

Đừng dựa vào quan hệ, hãy dựa vào năng lực

Ai cũng biết, giờ là thời đại dùng năng lực để nói chuyện. Các quy tắc dù ở bất kì đâu cũng càng ngày càng trở nên công bằng hơn và sự cạnh tranh chắc sẽ càng ngày càng trở nên tàn khốc hơn.

Bản thân bố là một người cứng đầu, không thích nhờ vả và cũng ít khi mở lời xin xỏ ai. Bố được chuyển từ dạy cấp 1 lên dạy cấp 2 là do cô hiệu trưởng thấy bố có năng lực dạy THCS. Sau này, trường huyện tuyển dụng 6 giáo viên, bố đứng thứ 3 trong cuộc thi tuyển nhưng lại không trúng tuyển. Chẳng sao hết, bố không muốn tìm hiểu. Chỉ 1 năm sau đó, bố thi đỗ cao học và rời khỏi nơi đó. 

Bố cho rằng, thay vì cậy nhờ mối quan hệ, hãy dựa vào năng lực của bản thân để cạnh tranh. Tuy rằng việc này khó hơn nhưng bù lại, con có thể nhận về sự tôn trọng của người khác, trong lòng cũng cảm thấy an tâm hơn, điều đó không tuyệt ư? Con phải biết rằng, nếu một người không muốn sống một cuộc sống mà luôn phải cúi đầu thì người đó buộc phải có bản lĩnh để ngẩng cao đầu. Con phải không ngừng nắm bắt cơ hội để hoàn thiện bản thân, dũng cảm đối mặt với những giông tố của cuộc đời và sẵn sàng vượt qua thử thách. 

Thư bố gửi con gái: "Đừng nghĩ mình còn trẻ, làm gì cũng là quá sớm" - Ảnh 4.

04. Về vẻ đẹp

Vẻ đẹp nội tâm lúc nào cũng quan trọng hơn vẻ đẹp bên ngoài

Là con người, ai cũng thích cái đẹp, đặc biệt là với phái nữ. Và mọi người phải biết cách để trau chuốt cho bản thân, tiếc là bố lại không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để truyền đạt lại cho con. Bố nghĩ chỉ cần mua quần áo mới hợp mốt chút, đeo thêm trang sức để nổi bật và trang điểm nhè nhẹ là đủ rồi.

Đương nhiên, xinh đẹp, hấp dẫn ở đây không chỉ nói riêng chuyện ngoại hình. Cách nói chuyện, ứng xử của con có thể thể hiện phong thái của con; tương tự, cách con đối đãi với mọi người có thể thể hiện sự tu dưỡng của con. 

Việc trau dồi cả vẻ đẹp nội tâm và ngoại hình là điều rất quan trọng, bố không muốn con chỉ theo đuổi vẻ đẹp hời hợt bên ngoài. Kiến thức là thứ mỹ phẩm chất lượng nhất và sự tốt bụng, lương thiện sẽ là thứ giúp con trở nên cuốn hút hơn. Đây mới là nét quyến rũ mà thời gian cũng không thể làm phai nhạt. 

05. Về tình yêu

Tình yêu đích thực là sâu sắc, chân thành, vị tha và không tham lam

Tình yêu rất đẹp, bố hy vọng con có thể tìm được một người phù hợp. Con à, chỉ cần con hạnh phúc, cuộc đời này của bố coi như đã viên mãn. Yêu đương không phải chuyện đùa, nó đòi hỏi sự nghiêm túc từ cả đôi bên. một việc rất nghiêm túc, cần đôi bên. Cảm xúc không phải để chơi và tình yêu không phải để thể hiện. Tình yêu chân chính sâu sắc nhưng không nông nổi, chân thành, vị tha nhưng không tham lam.

Người yêu của con không phải là tài sản riêng của con. Con có thể nhớ người ấy nhưng đừng làm phiền người ấy một cách vô lý. Con có thể yêu người ấy, nhưng đừng tước mất không gian riêng của người ấy. Tình yêu có thể khiến con người ta trở nên ngốc nghếch và mù quáng nhưng là con gái, con phải biết giữ mình, biết điều gì có thể làm và điều gì không thể. Mỗi đường đi nước bước đều phải suy nghĩ cẩn thận, tránh hối hận sau này.

Thư bố gửi con gái: "Đừng nghĩ mình còn trẻ, làm gì cũng là quá sớm" - Ảnh 5.

Một khi con quyết định yêu một người, đó nên là quyết định sau khi đã trải qua một thời gian cân nhắc, kiểm tra cẩn thận chứ không phải là quyết định bốc đồng. Bố hy vọng bạn trai tương lai của con là người ngay thẳng, yêu con và thương con. Nếu hai đứa chân thành đến với nhau, bố sẽ chúc phúc bằng cả trái tim.

06. Về kết bạn

Có qua có lại, hãy giúp đỡ bạn bè nếu có thể

Đại học là nơi để học và cũng là nơi để kết bạn. Ai cũng nên có một vài người bạn trong đời bởi suy cho cùng một cuộc sống hạnh phúc không phụ thuộc vào sự giàu có về tiền bạc mà phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội. Bạn bè chính một trong những kiểu mối quan hệ xã hội ấy. Khi hạnh phúc được chia sẻ, con sẽ hạnh phúc hơn, và khi nỗi buồn được san bớt, con sẽ không còn buồn như trước nữa. Ở đâu cũng có người đáng để con quan tâm, ở đâu cũng có người quan tâm đến con, khi ấy con sẽ cảm thấy thế giới tràn ngập ánh nắng và trái tim thì ấm áp như có làn gió xuân thổi qua.

Trên đời này không có tình yêu nào là vô duyên vô cớ và cũng không có mối hận thù nào là vô duyên vô cớ. Muốn người khác tốt với mình thì trước hết, con phải tốt với người ta. Kí túc xá đại học, 4-8 con người từ mọi miền đất nước tụ lại, bản chất điều này đã là một cuộc gặp gỡ đầy duyên số. Có cho đi mới có nhận lại, cái gì bỏ qua được hãy bỏ qua, có gì giúp đỡ được hãy giúp đỡ. Tặng người khác hoa hồng, đôi tay vẫn còn vương hương thơm mà con... 

07. Về thời gian

Đừng lúc nào cũng viện cớ còn trẻ, làm gì cũng là quá sớm

Thời gian là thứ công bằng nhất trên đời, mỗi người chỉ có đúng 24 tiếng đồng hồi mỗi ngày. Thời gian là thứ dễ có được nhất nhưng cũng là thứ ít được trân trọng nhất.

Bố suốt ngày nghe mọi người xung quanh nói phải bù đắp quãng thời gian này, thời gian kia. Nhưng thời gian đâu bù đắp được, lãng phí nghĩa là lãng phí. Đừng lúc nào cũng cảm thấy mình vẫn còn trẻ, còn quá sớm để làm mọi thứ con ạ!

Sinh viên đại học thường tiêu tốn thời gian ở rất nhiều việc khác nhau nhưng phổ biến nhất là tham gia CLB và lướt mạng. Việc tham gia CLB không có gì sai cả bởi nếu tham gia đúng cách, con có thể kết bạn và tích lũy được thêm rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Nhưng tham gia một cách vô độ rất lãng phí thời gian và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học của con.

Internet là một trong những phát minh vĩ đại của loài người. Thế nhưng nó như một con dao hai lưỡi vậy, lợi bất cập hại. Máy tính, điện thoại giúp con kết nối với thế giới bên ngoài nhưng ở một khía cạnh nào đó, nó cũng đồng thời khiến con liên tục bị quấy nhiễu bởi thế giới bên ngoài. Lời khuyên của bố là hãy sử dụng Internet một cách khoa học. Đến một thời điểm nhất định, hãy tắt mạng, đặt máy tính, điện thoại sang một bên và làm những việc có ý nghĩa hơn. 

Thư bố gửi con gái: "Đừng nghĩ mình còn trẻ, làm gì cũng là quá sớm" - Ảnh 6.

Con gái à, dù bố có nói nhiều hơn nữa thì cũng không thể tốt bằng việc con tự mình tìm hiểu và học hỏi. Bố không thể dạy con mọi thứ, và bố cùng không thể đồng hành cùng con suốt cuộc đời.

Dù ở đâu, dù lúc nào, mong rằng con sẽ luôn hạnh phúc. 

Bố của con.

Ảnh minh họa: J.B Han

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm