pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thú chơi “chiếc lá di động” tiền triệu độc đáo
Thú chơi mới nổi của hội mê sinh vật lạ
Nếu việc nuôi những loại côn trùng như bọ ngựa, bọ cánh cứng, bướm, kiến,... để làm cảnh đã chẳng còn lạ lẫm gì thì thời gian gần đây, một “ngôi sao” mới nổi đã khiến cộng đồng mê sinh vật lạ thích thú và tò mò. Đó chính là bọ lá cây - “chiếc lá di động”.
Lý do chủ yếu khiến người ta phải mê mẩn và thán phục loại côn trùng này là khả năng nguỵ trang tài tình. Thậm chí loài côn trùng này còn được xem là bậc thầy về khoản nguỵ trang, cả về ngoại hình y hệt chiếc lá lẫn khả năng “diễn xuất” đung đưa như lá rung rinh trước gió.
Anh Khang (quận 6, TP.HCM) - sáng lập nhóm Hội giao lưu bọ ngựa Việt Nam cho biết thú chơi này còn khá mới ở Việt Nam: “Mình chơi bọ ngựa trước sau đó mới biết đến bọ lá cây vào 5 năm trước. Ở Việt Nam có khá ít người biết đến. Trước đây mình hay học hỏi, tìm tòi kinh nghiệm nhờ các hội nhóm nước ngoài, lúc đó còn không biết tên nó là gì”.
Theo chia sẻ của Khang, nguồn bọ lá cây ở Việt Nam được chia thành 2 loại: hàng nhập ngoại và hàng rừng.
Khang là một trong những người tiên phong nhập bọ lá cây về Việt Nam: “Mình hay nhập hàng từ nước ngoài, đa phần từ Pháp và Anh. Giống này cũng khá khó nhập, phải nhập trứng rồi chờ nó nở thành con nên mình không bán đại trà mà chỉ ai thực sự đam mê mới bán”. Vì sự khó khăn này mà giá bọ lá cây nhập cũng khá đắt. Khang cho biết mỗi con nhỏ sẽ có giá khoảng 400 nghìn đồng, khi lớn hơn sẽ có giá từ 500k đến 1 triệu đồng/con, tuỳ kích thước.
Bọ lá cây bắt tự nhiên từ rừng ở Việt Nam có giá rẻ hơn nhưng đa phần thường sẽ chết vì đã quen ăn lá rừng. Hơn nữa bọ lá cây trong rừng cũng rất hiếm, có nguy cơ cạn kiệt nên Khang không kinh doanh loại này.
Nếu như Khang đã có kha khá kinh nghiệm thì Việt Anh (SN 2006, Hà Nội) mới đang trong giai đoạn tìm hiểu. Cậu bạn cũng biết đến bọ lá cây từ nhóm chơi bọ ngựa: “Mình thấy người đi rừng bắt được và bán nên tò mò, muốn tìm hiểu. Mình thích bọ lá cây vì hình dáng độc lạ, mình chưa bao giờ nhìn thấy. Mình đã mua 5 con, giá 300 - 500 nghìn đồng/con, tùy kích thước”.
Việt Anh và 1 trong những con bọ lá cây đang nuôi.
Nuôi bọ lá cây có dễ không?
Về việc chăm sóc, Khang cho biết giống bọ lá cây không cần quá cầu kỳ: “Mình chỉ cần 1 cái lồng lưới, cắm cành ổi hoặc cành mận vào làm thức ăn cho bọ. Cứ vài ba ngày thay lá mới một lần cho khỏi héo là được. Thỉnh thoảng cũng cần phun nước để làm sương cho lá, giữ ẩm cho bọ. Nếu nhà có lồng to, mọi người bỏ hẳn 1 cây ổi vào khỏi lo lá héo”.
Tuy nhiên Khang cũng lưu ý rằng bọ lá cây khó nuôi vì có phần đỏng đảnh và tuổi thọ ngắn hơn so với bọ ngựa: “Tuổi thọ của bọ lá cây khá ít, có mẫu 2 năm tuổi, có mẫu 1 năm tuổi và cũng có mẫu chỉ 8 tháng. Giá lại đắt nên không phải ai cũng chơi được. Mình đa phần bán cho các nhiếp ảnh gia hoặc những người thực sự đam mê”.
Ví dụ rõ ràng nhất cho việc loại côn trùng này không dễ nuôi chính là 5 con bọ lá cây của Việt Anh đều đã chết. Cậu bạn phải kêu trời vì gặp khó khăn trong chuyện chăm sóc, nhất là khi cậu bạn đang sinh sống ở thành phố. “Cả 5 con mà mình mua đều đã chết, một phần vì quá trình vận chuyển, một phần vì mình chưa có kinh nghiệm nuôi. Vấn đề khó khăn nhất với mình là môi trường nuôi. Vì bọ lá cây chỉ ăn một số loại lá như lá ổi, lá hoa hồng,...” - Việt Anh cho biết.
Tuy nhiên vì thích nên Việt Anh vẫn sẽ tìm cách nuôi lại, sau khi nghiên cứu và tìm hiểu kỹ càng hơn về loài côn trùng này. Bên cạnh đó cậu bạn cũng phải cân nhắc thêm về vấn đề kinh tế: “So với bọ ngựa, giá của bọ lá cây ‘chát’ hơn nhiều. Mình đang đi học nên không có nhiều tiền và ngoài 2 loại này ra mình cũng thích tìm mua và nuôi một số loài động vật lạ khác nữa. Thế nên bình thường mình hay bán cây cùng với gia đình để có tiền mua bọ”.