Thu hồi mặt bằng công viên 23/9: Hàng trăm tiểu thương hoang mang

20/08/2018 - 16:26
Trước thông tin UBND TP.HCM thu hồi, chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên 23/9 (Q.1), hàng trăm tiểu thương đang buôn bán tại chợ ẩm thực Sense Market (dưới lòng đất công viên 23/9) đang hết sức hoang mang.
“Nhiều người sẽ phá sản”?
 
Những ngày này, nhìn vẻ ngoài thì các hoạt động kinh doanh tại chợ ẩm thực hiện đại dưới lòng đất đầu tiên ở Việt Nam Sense Market vẫn đang diễn bình thường. Tuy nhiên, khi được hỏi thì bất cứ tiểu thương nào cũng đang rất hoang mang, lo lắng trước thông tin trung tâm sẽ phải ngưng hoạt động trong nay mai.
 
Bà Đỗ Lan Chi (63 tuổi), có 2 gian hàng bán bún chả và hủ tíu nam vang tại Sense Market cho biết, khi nghe thông tin trung tâm sẽ phải ngưng hoạt động thì cảm thấy rất hoang mang, hụt hẫng.
 
Theo bà Chi, khi quyết định vào đây thuê mặt bằng kinh doanh thì ai cũng phải đầu tư trang thiết bị, nguồn hàng với chi phí lớn. Tuy nhiên, việc kinh doanh chỉ mới diễn ra được hơn 1 năm mà phải đi được thì thiệt hại rất lớn.
 
“Bây giờ lượng khách cũng khá đông, nhất là vào buổi tối. Tôi chỉ mới kinh doanh được hơn 1 năm. Vốn bỏ ra chưa thu hồi lại được, bây giờ chuyển đi thì làm sao sống nổi”, bà Chi nói.
 
 
img_3358.JPG
Các tiểu thương tại Sense Market đang hoang mang trước quyết định 
thu hồi lại mặt bằng công viên 23/9.

 

Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ gian hàng phở Thìn Hà Nội tại đây cho biết, anh mới chỉ thuê mặt hằng ở trung tâm được khoảng 2 tháng thì nghe thông tin thành phố thu hồi, chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên 23/9 nữa.
 
“Khi nghe thông tin này thì rất bỡ ngỡ, hồi hộp. Bởi tôi đã đầu tư một số tiền lớn vào đây, mấy trăm triệu đồng. Tôi không biết sẽ phải làm gì khi không được thuê mặt bằng ở đây để làm ăn tiếp nữa cả”, anh Hùng nói.
 
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, một trong những tiểu thương kinh doanh đầu tiên tại Sense Market cho biết, khi nghe thông tin mặt bằng Sense Market bị thu hồi thì tất cả các tiểu thương tại đây đều bị suy sụp tinh thần, khổ tâm, không còn tâm trạng để làm ăn nữa.
 
Theo chị Nga, những tiểu thương buôn bán tại đây đều là trụ cột trong gia đình. Bỏ biết bao của cải, tâm huyết để đầu tư, phát triển cửa hàng của mình. Có nhiều tiểu thương đi vay, cầm cố ngân hàng để đầu tư vào cửa hàng. Tất cả tiểu thương chưa hề thu hồi được vốn đầu tư ban đầu. Nếu bây giờ phải chuyển đi thì chắc chắn sẽ có nhiều người phá sản.
 
Bản thân chị Nga cũng đầu tư nguồn hàng lên đến cả tỉ đồng. “Chúng tôi ở đây mua bán văn minh, không hề có chuyện “chặt chém”; thu hút khách trong nước và nước ngoài. Được rất nhiều khách hàng thích, ưu chuộng”, chị Nga chia sẻ và cho biết rằng tất cả các hộ tiểu thương ở đây đều có giấy phép kinh doanh đầy đủ.
 
“Tất cả các tiểu thương đầu tư vào đây làm ăn, hi sinh hết vào đây là mong muốn được làm ăn lâu dài. Không có ai muốn đi liền cả. Nhưng nếu thành phố có lấy lại thì cũng phải tính toán, có sự suy xét như thế nào để tiểu thương lấy lại vốn đầu tư, không nhập hàng hóa nữa. Chứ lấy lại đùng một cái thì nhiều người tự vẫn lắm. Quá đau đớn”, chị Nga nói.
 
Chủ đầu tư mong được tiếp tục đầu tư kinh doanh
 
Theo tìm hiểu, chợ hiện đại dưới lòng đất Sense Market do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Saigon Co.op - SCID và Công ty TNHH Đầu tư thương mại Cửu Long đầu tư, được chính thức đưa vào hoat động vào đầu năm 2017. Đây là mô hình kinh doanh mới kết hợp giữa chợ truyền thống và hiện đại với các hoạt động ẩm thực đa dạng, nhà sách, cà phê... đáp ứng đa dạng nhu cầu mua sắm giải trí của khách hàng trong nước và của khách du lịch quốc tế.
 
Trước kia, đây là khu tầng hầm nhếch nhác, nhiều tệ nạn xã hội bị bỏ hoang hơn 20 năm. Khi được cho thuê lại, chủ đầu tư đã bỏ ra số tiền hơn 100 tỉ đồng để hình thành nên Sense Market.
 
Được biết, hiện nay, tại đây đang có hơn 600 người thuê mặt bằng để kinh doanh. Trong đó, khu mua sắm Taka Plaza có 400 gian hàng lớn nhỏ. Nhiều người trong số này trước đây từng buôn bán trên vỉa hè.
 
Bà Nguyễn Thị Tranh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Saigon Co.op cho biết, Sense Market rộng 11.000 m2 thì dành đến 6.000m2 để giữ xe, diện tích còn lại là tổ chức kinh doanh. Mục đích khi mở trung tâm là giải quyết việc làm cho những người buôn bán trên lòng lề đường. Bên cạnh đó là làm điểm đến cho khách du lịch. Hiện nay, mỗi ngày trung tâm đón khoảng 3.000 khách đến tham quan, mua sắm bao gồm cả khách trong nước và nước ngoài.
 
 
Theo bà Tranh, sự nhếch nhác tại công viên 23/9 có xảy ra thì chỉ ở trên mặt đất với sự quản lý của nhiều đơn vị khác nhau. Còn phía trung tâm thương mại dưới lòng đất Sense Market thì rất quy củ. 
 
cho-ngam-sense-market.JPG
Không gian văn hóa ẩm thực ở trung tâm thương mại Sense Market.
 
Theo đại diện chủ đầu tư, việc UBND TP.HCM xem xét thu hồi để tái quy hoạch hàng loạt mặt bằng chưa sử dụng đúng mục đích hoặc hoạt động chưa hiệu quả tại khu vực công viên 23/9 là hoàn toàn hợp lý và cần được ủng hộ. Đặc biệt, nếu công viên được giao về cho một đơn vị có kinh nghiệm quản lý là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thành phố nên xem xét duy trì và mở rộng các dịch vụ hiện hữu tại tầng hầm theo hướng ngầm hóa các dịch vụ hiện hữu tại công viên. Như vậy sẽ đảm bảo khu vực mặt bằng trên công viên vẫn đúng theo quy hoạch, vừa đảm bảo khai thác tầng hầm một cách hiệu quả. Mô hình này cũng phù hợp với xu hướng ngầm hóa nhằm giảm áp lực không gian bên trên mặt đất của nhiều nước phát triển và sẽ càng phát huy tác dụng khi được bố trí kết hợp với các điểm dừng của hệ thống metro ngầm mà TP.HCM đang phát triển.
 
“Nếu thành phố thu về chưa làm gì thì chúng tôi kiến nghị thành phố cho được tiếp tục kinh doanh ở đây. Thứ nhất là để ổn định được người lao động, kinh doanh trong một môi trường chuyên nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ hai là điểm đến cho khách du lịch. Chúng tôi có nhiều khát vọng, đam mê, nhưng giờ thì chỉ biết chờ đợi. Ước mơ của chúng tôi là được đầu tư toàn bộ phần tầng hầm ở công viên để ổn định công ăn việc làm cho những người đang kinh doanh ở đây. Nếu điều đó thành hiện thực thì có thể giải quyết cho 5.000 - 10.000 lao động đang buôn bán trên vỉa hè, lòng lề đường”, bà Tranh nói.
 

Mới đây, Văn phòng UBND TP.HCM đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về quản lý, chính trang, quy hoạch công viên 23/9 (Q.1). Trong đó, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giao Sở Tài nguyên và Mô trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phải chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại Công viên 23/9. Đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên này nhưng trong hợp đồng không ghi rõ thời gian hoàn trả thì phải di dời trước ngày 30/4/2019. Đồng thời, giao Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan lên kế hoạch di dời từng công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe... trong công viên này. Sở Quy hoạch - Kiến trúc sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Công viên 23/9 trước quý III năm 2018.

 

Động thái này được đưa ra nhằm lập lại trật tự ở Công viên 23/9 bởi đang có nhiều đơn vị quản lý chồng chéo, thiếu kiểm soát trong xây dựng, khai thác. Nhất là tại khu B với các hoạt động mua sắm, ăn uống, dịch vụ... đã làm thay đổi công năng của công viên và gây ùn ứ giao thông.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm