pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thư mời viết bài cho Hội thảo Khoa học Quốc gia Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới
Ảnh minh họa
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN Việt Nam) đã triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động và nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện đạt được nhiều kết quả tích cực. Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022 – 2027) đã phát động phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" có tri thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước; hướng đến mục tiêu phát triển con người toàn diện, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Nhằm cung cấp căn cứ khoa học và thực tiễn để xác định giải pháp xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: Thực trạng và Giải pháp" vào tháng 11/2022. Hội thảo cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kết luận số 01 - KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; thực hiện "Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035".
MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG HỘI THẢO
Mục tiêu tổng quát và cụ thể
Mục tiêu tổng quát: Trình bày, thảo luận các kết quả khoa học và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn nhằm nhận diện những đặc điểm của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới (liên quan tri thức, đạo đức, sức khoẻ, trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước), những yếu tố ảnh hưởng và các giải pháp nhằm hỗ trợ xây dụng phụ nữ Việt Nam thời đại mới.
Mục tiêu cụ thể:
- Thảo luận, xác định những chiều cạnh quan trọng, cốt lõi phản ánh được đặc điểm người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: có tri thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Thảo luận về thực trạng và thách thức trong việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới từ bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội quốc tế và trong nước.
- Tạo diễn đàn trao đổi các kết quả khoa học và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn về những giải pháp hỗ trợ xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.
- Đề xuất, gợi ý các chính sách, giải pháp, sáng kiến về xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới với phù hợp với việc triển khai thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" và phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Hội và yêu cầu của xã hội trong tỉnh hình mới.
Nội dung chính của hội thảo
1. Nội dung 1: Lý luận về xây dựng và phát triển người phụ nữ Việt Nam thời đại mới (trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế).
2. Nội dung 2: Thực trạng đặc điểm của phụ nữ Việt Nam hiện nay:
- Đặc điểm về tri thức của phụ nữ Việt Nam hiện nay (trình độ học vấn, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết chính sách, luật pháp, hiểu biết về cuộc sống xã hội, khả năng áp dụng kiến thức mới hoặc khoa học kỹ thuật vào cuộc sống... );
- Đặc điểm đạo đức, lối sống của phụ nữ Việt Nam phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (ứng xử có văn hóa, các phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam, ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... );
- Đặc điểm về sức khỏe của phụ nữ Việt Nam (thể trạng sức khỏe thể chất, tinh thần, lối sống, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe... );
- Đặc điểm của phụ nữ Việt Nam về vấn đề trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
3. Nội dung 3: Những yếu tố ảnh hưởng tới xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới:
- Bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam và quốc tế;
- Yếu tố liên quan đến thể chế, chính sách; Yếu tố môi trường xã hội (các vấn đề về bất bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới, an toàn cho phụ nữ, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội... );
- Yếu tố gia đình và bản thân người phụ nữ.
- Vai trò của Hội LHPN Việt Nam.
4. Nội dung 4: Hàm ý chính sách, gợi ý giải pháp, để xuất sáng kiến nói chung và đối với Hội LHPN Việt Nam nói riêng nhằm xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.
Để Hội thảo khoa học quốc gia "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: Thực trạng và Giải pháp" được tổ chức thành công, Trung ương Hội LHPN Việt Nam trân trọng kính mời các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, giảng viên và chuyên gia gửi bài cho Hội thảo.
THỂ LỆ GỬI BÀI
1) Đăng ký tên bài viết và tóm tắt (abstract) bằng tiếng Anh và tiếng Việt: gửi về Ban Tổ chức hội thảo trước ngày 30/8/2022. Độ dài của tóm tắt: 300 từ.
2) Chọn lựa bài và thông báo cho các tác giả: ngày 05/9/2022.
3) Thời hạn gửi báo cáo toàn văn (tiếng Việt): ngày 05/10/2022.
4) Thời hạn thông báo chấp nhận bài viết: ngày 10/10/2022.
5) Yêu cầu về bài viết:
- Thể lệ bài viết theo tiêu chuẩn bài viết khoa học.
- Bài viết được đánh máy vi tính, từ 5.000 từ đến 8.000 từ và theo định dạng sau: Font chữ Times New Roman, cỡ chữ 13, giãn dòng 1,5; lề trên và lề dưới: 2cm; lề trái: 3cm, lề phải: 2cm. Tiêu đề bài viết in đậm, viết hoa, cỡ chữ 15. Có 03 - 05 từ khóa trong Tóm tắt. Tài liệu tham khảo và nguồn trích dẫn trình bày theo quy định chuẩn APA. Danh mục tài liệu tham khảo để ở cuối bài.
- Cuối bài viết: Ghi rõ tác giả, học hàm, học vị, đơn vị công tác, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, email.
- Bài viết chưa được gửi hoặc đăng trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo khác.
PHẢN BIỆN VÀ ĐĂNG KỶ YẾU HỘI THẢO
Các bài viết sẽ được phản biện độc lập và nếu đạt yêu cầu sẽ được đăng toàn văn trong kỷ yếu của Hội thảo, có đăng ký chỉ số ISBN.
Các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, giảng viên và chuyên gia gửi bài đến Hội thảo theo link: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLScnRNBfVLqq4qDJPuRy0iqtCZDsQqAfVUgKD5uoHjciDUTY2w/viewform
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ : Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đồng chí Hải Bình (DĐ: 0902224576; Email : binhnth76@gmail.com); đồng chí Hương Nhung (DĐ: 0943792378; Email: hoanghuongnhungqb@gmail.com).
THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM, THÀNH PHẦN THAM DỰ HỘI THẢO
- Thời gian: Dự kiến tuần 2 tháng 11 năm 2022
- Địa điểm: tại Hà Nội
- Thành phần tham dự: Dự kiến có khoảng 150 đại biểu dự trực tiếp gồm các nhà khoa học, các chuyên gia về giới, phụ nữ và gia đình; đại diện các bộ ngành, cơ quan; các Viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, các tổ chức xã hội; đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đóng tại Hà Nội; các học giả có bài trình bày tại hội thảo và đăng trong kỷ yếu Hội thảo; đại diện các ban, đơn vị Trung ương Hội, các tổ chức thành viên. Đại biểu dự trực tuyến là đại diện Hội LHPN các tỉnh, thành.