pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thủ phạm của ung thư xuất hiện trong mâm cơm hàng ngày nhưng bị xem nhẹ
Ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm và đáng lo ngại nhất hiện nay. Một số loại ung thư có thể do di truyền giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, một số yếu tố bên ngoài cũng tác động đến sự hình thành của các khối u ác tính. Thậm chí chúng còn ảnh hưởng lớn hơn so với gen di truyền. Trên thực tế, nguyên nhân gây ung thư chiếm 70% đến từ việc ăn uống.
Hàng loạt các nghiên cứu đã chứng minh ăn nhiều thực phẩm dưới đây có nguy cơ mắc ung thư cao hơn. Đặc biệt, nhiều thực phẩm liên quan trực tiếp những bệnh ung thư phổ biến.
Thịt chế biến sẵn
Thịt được chế biến là loại thịt được ướp muối, xử lý, lên men, hun khói hoặc quy trình khác để tăng hương vị hoặc bảo quản lâu hơn. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế phân loại thịt chế biến là chất gây ung thư số một, tương tự các chất khác như thuốc lá, bức xạ UV, rượu. Theo báo cáo của IARC, chỉ ăn 50g thịt chế biến mỗi ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư lên 18%.
Khi thịt được nấu ở nhiệt độ cao hoặc nướng, axit amin trong thịt tương tác với nhiệt và tạo thành hợp chất gây ung thư (amin dị vòng và hydrocacbon thơm đa vòng). Đây là các chất đã được chứng minh có liên quan đến nguy cơ ung thư.
Khi được ướp muối, xử lý, lên men, hun khói để tăng hương vị, bảo quản lâu hơn, thịt đóng hộp bị biến đổi. Đặc biệt, quá trình hun khói thịt sinh ra hợp chất N-nitroso (NOC) và hydrocacbon thơm đa vòng (PAH). Đây là những chất được xếp vào nhóm gây ung thư hàng đầu.
Thực phẩm đóng gói, thức ăn nhanh
PGS.TS Adil Akhtar, chuyên gia về ung thư và huyết học tại ĐH Oakland-William Beaumont, Mỹ cho biết một số thực phẩm đóng gói cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.
Tổ chức môi trường Environmental Working Group từng lên tiếng báo động về loại hoá chất có tên PFOA được sử dụng để phủ bên trong túi đựng của bỏng ngô có khả năng gây ung thư. Cuộc điều tra sau đó của tổ chức này còn cho thấy hoá chất thay thế (để ngăn dầu trong túi ngấm qua giấy) cũng có khả năng gây ung thư và có thể chứa các hoá chất perfluorinated.
Theo một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí British Medical, các món ăn đóng gói sẵn, đồ ăn nhanh có liên quan nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
Các sản phẩm này thường chứa nhiều calo, muối, đường và chất béo bão hòa. Chúng góp phần gây béo phì - yếu tố hàng đầu dẫn tới ung thư. Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới khuyến nghị chúng ta nên tiêu thụ thức ăn nhanh, các loại thực phẩm chế biến sẵn nhiều chất béo, tinh bột hoặc đường càng ít càng tốt.
Đồ muối chua
Cà muối, dưa chua là món ăn quen thuộc trong mâm cơm của gia đình Việt. Tuy nhiên, những món ăn lên men này có thể gây ung thư nếu bạn không biết cách làm và ăn sao cho đúng.
Thói quen ăn món ăn này khi vẫn còn vị hăng, cay, chưa được lên men kỹ là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư. Bởi, trong dưa cà muối xổi hàm lượng nitrat chuyển thành nitrit sẽ kết hợp với các acid amin trong thực phẩm thường ăn như thịt, tôm, cá, nhất là mắm tôm và chuyển thành nitrosamin – một chất có khả năng gây ung thư dạ dày.
Trong quá trình chế biến nếu không bảo quản kỹ và để lên men quá lâu sẽ rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, hàm lượng muối lớn có trong món ăn này cũng không tốt cho sức khỏe.
Ăn gì để phòng ung thư?
Các loại thực phẩm dưới đây có thể khiến tế bào ung thư "e ngại". Nếu sử dụng hàng ngày, chúng có thể giúp ngăn ngừa ung thư rất hiệu quả.
Các loại ra họ cải
Bông cải xanh, súp lơ trắng, cải xoăn, cải thảo... chứa hàng loạt chất dinh dưỡng có lợi như carotenoid (beta-carotene, lutein, zeaxanthin), vitamin C, E, K (giúp làm sáng, khỏe), folate và chất khoáng (mangan, đồng, magie, phospho).
Isothiocyanates và sulforaphane trong súp lơ được khẳng định có tác dụng chống ung thư, điều hòa hệ tim mạch, cân bằng sản xuất glucose, tăng cường chức năng thải độc. Các loại ung thư "e ngại" với thực phẩm này có là ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, vú và bàng quang.
Tỏi
Hợp chất lưu huỳnh trong tỏi gây ra mùi đặc trưng, có thể khiến chúng ta không dễ chịu. Tuy nhiên, chính nó là yếu tố giúp ngăn chặn các chất gây bệnh, tăng sửa chữa DNA của tế bào, giảm khả năng sinh ra tế bào ung thư.
Rau chân vịt
Loại rau này rất giàu carotenoid, giúp loại bỏ gốc tự do ra khỏi cơ thể. Gốc tự do chính là nguyên nhân hình thành nên các biến đổi sinh ung thư. 3 loại ung thư "kiêng nể" rau chân vịt đó là ung thư phổi, gan, tiền liệt tuyến.