Thủ tục rườm rà khiến gia đình trẻ bị xâm hại tình dục ngại tố cáo

03/10/2019 - 10:23
Quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em còn nhiều thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho nạn nhân, người có liên quan, dẫn đến việc bị hại và gia đình người bị hại thường giấu diếm, bỏ qua hoặc tự thỏa thuận với người có hành vi phạm tội và gia đình của người phạm tội.
UBND quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết, tính từ đầu năm 2015 đến hết tháng 6/2019, trên địa bàn quận đã xảy ra 19 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, nạn nhân có độ tuổi từ 11 đến 15. Trong đó, cơ quan chức năng đã khởi tố 17 vụ với 17 bị can, 1 vụ đình chỉ vì chưa đủ chứng cứ, xử phạt hành chính với số tiền 2,5 triệu đồng.
 
Bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết, tình trạng trẻ em bị xâm hại diễn biến phức tạp, nhất là các vụ hiếp dâm, giao cấu, dâm ô trẻ em gây bức xúc trong dự luận và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.  
 
Từ thực tế cho thấy, việc xử lý tội xâm hại tình dục trẻ em hiện vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế. Cụ thể, việc tiếp nhận, giải quyết tin tố giác của người dân về vụ việc xâm hại tình dục trẻ em chưa được kịp thời, nhanh chóng. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử thường bị kéo dài.
 
Quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn nhiều thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho nạn nhân, người có liên quan. Từ đó, người bị hại và gia đình người bị hại thường có tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình nên sau khi xảy ra sự việc, họ thường không trình báo với cơ quan có thẩm quyền mà giấu diếm, bỏ qua hoặc tự thỏa thuận với người có hành vi phạm tội và gia đình của người phạm tội, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
 
 
Quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em còn nhiều thủ tục rườm rà. Ảnh minh họa

 

Bên cạnh đó, việc chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan y tế, giáo dục, tư pháp với cơ quan quản lý nhà nước để phát hiện và xử lý kịp thời tội phạm xâm hại trẻ em.
 
UBND quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn quy định phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các ngành và ngành với địa phương trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó có các chính sách hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và bị xâm hại.
 
Ngoài ra, cần có các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên, tổng phụ trách đội, cán bộ phụ trách trẻ em về các kỹ năng tư vấn tâm lý, giáo dục phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm