Với sự ủng hộ của đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP - đảng chính trị lớn nhất Bắc Ireland), chương trình lập pháp của Chính phủ thiểu số của bà May đã giành được 323 phiếu ủng hộ, so với 309 phiếu chống tại Quốc hội Anh với 650 ghế.
Thỏa thuận được coi là cơ hội lớn cho Thủ tướng May để các dự luật của Chính phủ được dễ dàng thông qua tại Quốc hội cũng như cho phép nữ chính khách này tiếp tục nắm quyền chủ động trong nỗ lực đàm phán về việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).
Tuy nhiên, lại có một số ý kiến cho rằng, thỏa thuận trên vẫn chưa đủ sức để củng cố vị thế của Thủ tướng May sau một loạt những chỉ trích thời gian gần đây liên quan đến khủng bố, bảo đảm an toàn cho khu dân cư, cũng như những đề xuất về Brexit thiếu tính khả thi của bà.
Theo một nghiên cứu công bố của Ngân hàng Citi, chính phủ thiểu số của Thủ tướng May thiếu bền vững và khó có thể hoạt động quá vài tháng. Ngân hàng này cho rằng chính thủ của Thủ tướng May sẽ trụ được tối đa là 1 năm. Ngay từ đầu, chính phủ của đảng Bảo thủ sẽ phải đối mặt với áp lực từ một Quốc hội mâu thuẫn và chia rẽ. Các đảng phái khác sẽ liên tục thách thức vị trí lãnh đạo của đảng Bảo thủ và kéo theo đó là nguy cơ "xứ sương mù" sẽ phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử khác trong vòng 12 tháng tới.
Theo điều tra của văn phòng kiểm toán Pháp Deloitte, gần 50% những người lao động trình độ cao mang quốc tịch Liên minh châu Âu (EU) có ý định rời Anh trong 5 năm tới, thậm chí 25% trong số này có ý định rời Anh trong vòng 3 năm.
Tại đất nước mà người nước ngoài hiện chiếm tới 11% lực lượng lao động, tình trạng "chảy máu chất xám" này sẽ ảnh hưởng lớn đến các khu vực đô thị phát triển của Anh. Trong số những người có ý định rời nước Anh có 28% muốn trở về quê hương, 14% cho biết sẽ đến Tây Ban Nha, 11% dự định sẽ đến Mỹ, 9% chọn Australia và 8% muốn tới Canada.