pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh chăm lo cho nhóm lao động tự do bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Lao động tự do được hỗ trợ mức không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày. Ảnh: TTXVN
Theo Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký chiều 1/7, có 12 chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn.
Với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), Nghị quyết nêu: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Giải đáp báo giới về chính sách hỗ trợ với lao động tự do, có đặc thù thường di chuyển, làm việc ở xa, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Trong chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/7, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh chăm lo cho nhóm lao động tự do vì đây là 1 trong những nhóm bị ảnh hưởng sâu và trực tiếp nhưng cũng là nhóm khó triển khai nhất.
Thực tiễn vừa qua, khi triển khai gói Nghị quyết 42 gặp rất nhiều khó khăn, có những bác tổ trưởng tổ dân phố còn chia sẻ phải đi đến 8-9 lần mới gặp được người lao động, đến khảo sát, đánh giá rồi mới hỗ trợ được vì lao động tự do di chuyển thường xuyên, không ổn định nơi cư trú; rồi còn phải lấy xác nhận tại nơi ở, nơi cư trú. Do đó, nếu như Chính phủ ban hành một chính sách cụ thể và Chính phủ đứng ra hỗ trợ ngân sách cho nhóm đối tượng này sẽ rất khó khăn như vậy.
Ông Đào Ngọc Dung chia sẻ: Qua làm việc với TPHCM, Hà Nội và một số địa phương đông lực lượng lao động tự do đều được các địa phương này ủng hộ việc có hỗ trợ nhóm đối tượng lao động tự do. Theo đó, Chính phủ giao toàn quyền cho địa phương căn cứ vào điều kiện của mình, căn cứ vào khả năng ngân sách của mình chủ động xây dựng kinh phí, xây dựng mức tiền, xác định đối tượng.
Chẳng hạn, trong gói hỗ trợ của TPHCM mới đây cũng xác định một số nhóm người lao động làm công việc lái xe ba gác, bốc vác, bán vé số dạo... Đà Nẵng cũng hỗ trợ cho nhóm hướng dẫn viên du lịch được vay tới 100 triệu đồng.
Chính phủ đưa ra quy định hỗ trợ tối thiểu không dưới 1.500.000 đồng/tháng và tối thiểu không dưới 50.000 đồng. Chính phủ cũng rất hoan nghênh những địa phương hỗ trợ trên mức đó. Về ngân sách cho gói hỗ trợ lao động tự do sẽ do các địa phương cân đối nguồn thu và dự phòng, ông Đào Ngọc Dung cho biết.