Thủ tướng Đức Merkel được người dân ủng hộ làm tiếp nhiệm kỳ 4
28/06/2017 - 19:50
Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) theo đường lối bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel đã giành được 40% sự tín nhiệm của dân chúng. 52% số người được hỏi cho biết sẽ ủng hộ bà Merkel làm thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới.
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Viện Forsa thực hiện cho Tạp chí Stern (Ngôi sao) và kênh truyền hình RTL, CDU đã giành được tỉ lệ ủng hộ tới 40%. Đây là tỉ lệ ủng hộ cao nhất đối với CDU kể từ tháng 9/2015, không lâu sau khi Thủ tướng Merkel quyết định mở cửa đón nhận hơn 1 triệu dân di cư chủ yếu đến từ Trung Đông và Afghanistan.
Trong khi đó, tỉ lệ ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đối lập là 23%, không thay đổi so với cuộc thăm dò trước và tỉ lệ ủng hộ dành cho đảng Xanh bảo vệ môi trường tăng thêm 1% lên mức 9%. Tỉ lệ ủng hộ đảng cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) vẫn không thay đổi, ở mức 7% trong khi tỉ lệ ủng hộ đảng Cánh tả (Linke) giảm 1% xuống còn 9% và đảng Dân chủ Tự do (FDP) giảm 1% xuống 7%.
52% số người được hỏi cho biết sẽ ủng hộ bà Merkel làm thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới.
Theo hệ thống bầu cử phức tạp của Đức, cử tri bỏ phiếu bầu cho các đảng chứ không bầu trực tiếp thủ tướng. Người giữ chức thủ tướng thường là ứng cử viên hàng đầu của đảng giành được nhiều phiếu nhất và phải được sự phê chuẩn của các nghị sĩ quốc hội mới được bầu thông qua một cuộc bỏ phiếu kín.
Ngoài ra, kết quả cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 9% cử tri tin tưởng vào năng lực của SPD trong giải quyết các vấn đề của nước Đức, trong khi tỉ lệ này dành cho CDU của bà Merkel là 40%, mức đánh giá năng lực cao nhất kể từ tháng 10/2013, ngay sau cuộc bầu cử quốc hội khóa trước.
Tháng 9/2015, Chính phủ của bà Merkel cũng như hàng triệu người dân Đức khác đã giang rộng cánh tay, mở cửa trái tim để đón những người tị nạn khốn khổ đang chạy trốn chiến tranh và khủng bố. Thế nhưng, việc Đức bị tấn công khủng bố tại chợ Giáng sinh ở Berlin ngày 19/12/2016 khiến búa rìu dư luận quay sang chỉ trích chính sách tị nạn của Thủ tướng Merkel. Họ coi đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến xã hội Đức ngày càng nhiều mâu thuẫn.
Chính phủ của bà Merkel đã có nhiều cố gắng và biện pháp cụ thể để xử lý hậu quả của khủng hoảng tị nạn năm 2015 như thúc đẩy thực hiện Thỏa thuận Liên minh châu Âu (EU) - Thổ Nhĩ kỳ về giải quyết tị nạn dù có rất nhiều trở ngại phát sinh sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ cũng như nội bộ các nước EU chia rẽ; tăng cường các chuyến bay đưa người không được công nhận quy chế tị nạn trở về nước gốc; tích cực trong việc tìm giải pháp cho hòa bình ở Syria. Trên thực tế, những biện pháp này đã có những tác động tích cực khiến sức ép từ dòng người tị nạn đến Đức giảm mạnh. Đó là cách xử lý đầy thông minh, quyết đoán của bà Merkel mà người Đức hay châu Âu đều kính nể. Người dân nước này đang lấy lại niềm đối với bà Merkel và tin tưởng vào sự dẫn dắt sáng suốt của bà trong nhiệm kỳ mới.