Thủ tướng Đức sẽ rời vị trí Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo

29/10/2018 - 18:39
Ngày 29/10, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ rút khỏi cương vị Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) sau đại hội đảng này vào tháng 12 tới tại thành phố Hamburg, sau hơn 18 năm giữ cương vị lãnh đạo đảng CDU.

Việc bà Angela Merkel đi đến quyết định trên diễn ra sau khi tỷ lệ ủng hộ liên minh cầm quyền giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel với Đảng trung tả Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đang ở mức thấp kỷ lục từ kết quả bầu cử bang Hessen diễn ra ngày 28/10. Đảng CDU của bà chỉ giành được 27,6% số phiếu, giảm gần 11% so với kết quả bầu cử năm 2013. Trong khi đó, tỉ lệ ủng hộ đối với SPD - đảng đối tác cùng liên đảng CDU/CSU của bà Merkel trong Chính phủ đại liên minh ở Đức - cũng giảm 2%, xuống còn 17%.

 
angela-merkel-2.jpg
Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp nhiều khó khăn trong nhiệm kỳ 4

 

Tuy nhiên, theo hãng tin DPA của Đức, bà Merkel sẽ tiếp tục giữ cương vị thủ tướng Đức cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2021. Hiện các ứng viên thay thế bà Merkel ở cương vị Chủ tịch đảng CDU hiện có Tổng thư ký Annegret Kramp-Karrenbauer, Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn, Thủ hiến bang Nordrhein-Westfalen Armin Laschet và cựu Chủ tịch đảng đoàn CDU tại Quốc hội Friedrich Merz.
 
angela-merkel-3.jpg
Bà Annegret Kramp-Karrenbauer (trái) là ứng viên thay thế bà Merkel ở cương vị Chủ tịch đảng CDU

 

Bà Merkel giữ chức Chủ tịch đảng CDU từ tháng 4/2000. Bà là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ Thủ tướng Đức. Tính đến năm 2006, bà Merkel cũng là thủ tướng trẻ tuổi nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 2017, bà Merkel tái đắc cử Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp trong cuộc bầu cử liên bang.
 
Uy tín chính trị của bà Merkel đã bị sụt giảm mạnh kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu vào năm 2015. Quyết định mở cửa biên giới Đức của chính phủ do bà Merkel đứng đầu đã dẫn tới hệ quả có hơn 1,2 triệu người di cư tràn vào nước Đức trong 3 năm qua, gây ra nhiều xáo trộn về xã hội cũng như đẩy nước Đức và châu Âu vào tình thế bất ổn về an ninh. Điều này được phản ánh rõ nét qua cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội liên bang Đức hồi tháng 9/2017, mà liên minh cầm quyền gồm CDU/CSU và SPD đều bị mất phiếu một cách nghiêm trọng.
 
Tất cả dường như đã mở ra điều kiện thuận lợi chưa từng có cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, phong trào dân túy và các lực lượng đối lập mang xu hướng cực đoan ở châu Âu nói chung và đặc biệt ở Đức nói riêng có đất sinh sôi, phát triển mạnh. Điển hình như Đảng AfD rất cực đoan ở Đức, ra đời chưa bao lâu đã nhanh chóng trở thành lực lượng chính trị mạnh thứ ba trong Quốc hội Đức.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm