Thủ tướng họp triển khai ứng phó bão Noru: Phải có phương án giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản

CP
27/09/2022 - 08:27
Thủ tướng họp triển khai ứng phó bão Noru: Phải có phương án giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp ứng phó cơn bão số 4. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

7h sáng nay (27/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (bão Noru) - một trong những cơn bão lớn nhất ảnh hưởng tới nước ta những năm qua.

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự cuộc họp tại các điểm cầu địa phương có lãnh đạo các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum; 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn.

Phát biểu đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các tỉnh, thành phố đã triển khai các giải pháp, nhiệm vụ được giao nhưng Thủ tướng vẫn tiếp tục triệu tập cuộc hộp để rà soát lại công tác chuẩn bị ứng phó bão và ứng phó với các diễn biến sau bão…

Thủ tướng họp triển khai ứng phó bão Noru: Phải có phương án giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp

“Nhân dân ở xã phường, nên cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới cấp xã phường. Phải có phương án giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản, di sản, điều kiện, sinh kế của người dân; phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ bởi “phòng hơn chống”, Thủ tướng phát biểu.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ như: Khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú, kêu gọi ngư dân không đánh bắt trong những ngày này; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ học sinh, khách du lịch; bảo vệ di sản, nhất là phố cổ Hội An; ứng phó với áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão, nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…

Là lãnh đạo địa phương phát biểu đầu tiên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết đến nay gần như toàn bộ diện tích lúa và 85% diện tích thủy sản đã được thu hoạch.

Chỉ còn 3 tàu thuyền đang trong vùng nguy hiểm nhưng dự kiến 10h sẽ thoát khỏi vùng nguy hiểm. 

Theo số liệu cập nhật, hơn 44.000 hộ dân được di dời. Lương thực đã được bố trí dự trữ, đặc biệt là khu vực vùng núi có nguy cơ chia cắt cao.

Các hồ thủy điện đang ở mực nước thấp, nên có thể yên tâm về khả năng đón lũ với 900 triệu mét khối nước.

Lực lượng thanh niên xung kích với 12.000 người đã sẵn sàng. Sau cuộc họp, tỉnh sẽ triển khai 3 đoàn công tác tới địa phương để ứng phó bão.

Ông Trần Lộc, lãnh đạo phường Tân An, thành phố Hội An, cho biết đây là phường ven biển, địa phương sẽ cố gắng cao nhất, tập trung chằng chống nhà cửa, di dời dân, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng và hạn chế thấp nhất tài sản, ảnh hưởng tới di sản Hội An, các ngôi nhà cổ.

Lãnh đạo huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết đến nay còn 17 hộ dân chưa di dời, huyện không di dời tập trung mà xen ghép với các hộ dân khác.

Thủ tướng yêu cầu nếu tình hình căng thẳng, có thể tính tới phương án di dời dân vào đất liền.

Thủ tướng họp triển khai ứng phó bão Noru: Phải có phương án giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản - Ảnh 2.

Hình ảnh bão Noru

Lãnh đạo huyện đảo cho biết nếu cần, có thể huy động hầm quân sự để người dân tránh trú.

Lãnh đạo xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế cho biết đã phân công các đảng ủy viên về các thôn để kiểm tra; đặc biệt quan tâm người già, trẻ em, người ốm, phụ nữ mang thai..; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân và hệ thống nghe nhìn trong những ngày bão…

Lãnh đạo phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết đã phân công trực 24/24 trong những ngày qua để kịp thời ứng phó với mọi tình huống. 9 tàu của phường đã vào nơi tránh trú an toàn. Trên địa bàn chưa có người dân nào phải di dời.

Lãnh đạo xã Pờ Ê, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum cho biết đội ngũ cán bộ đã chia làm các tổ đi vận động người dân không đi rừng, qua sông qua suối trong những ngày này, chuẩn bị đề phòng các điểm sạt lở; học sinh đã nghỉ học ở nhà… để ứng phó bão.

Lãnh đạo huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết huyện có hơn 660 tàu thuyền các loại đã vào khu neo đậu an toàn, không còn ngư dân trên biển. Hơn 1.700 hộ hơn 6.000 nhân khẩu đã có phương án di dời. Học sinh nghỉ học từ chiều ngày 27/9.

Cuộc họp cũng nghe lãnh đạo phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, xã La Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai, thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum… báo cáo về công tác chuẩn bị, ứng phó với bão Noru.

Kết thúc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng bão số 4 diễn biến tương đối phức tạp, cường độ mạnh, di chuyển nhanh; nhất trí với quan điểm công tác phòng, chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để có sự chủ động trong chuẩn bị và phòng, chống bão.

Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp, ngành từ Trung ương tới xã, phường trong chủ động phòng, chống bão số 4; đồng thời yêu cầu các cấp, ngành, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không hốt hoảng, lo sợ để ứng phó với bão số 4.

Thủ tướng yêu cầu phải đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, chú trọng bảo vệ người yếu thế, người già, trẻ em, người tàn tật, khách du lịch; cương quyết di dời người dân khỏi khu vực có nguy cơ mất an toàn do bão lũ, cần thiết có thể phải cưỡng chế, với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị kết hợp dự báo trong nước và tham khảo dự báo của các tổ chức khí tượng thế giới, theo dõi sát diễn biến của bão để chủ động thông tin, cảnh báo; không được để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại tính mạng, tài sản; với tinh thần “phòng tốt, chống có hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ”.

Cấp ủy, chính quyền các cấp dự báo có bão đổ bộ, gây ảnh hưởng hoãn các cuộc họp không cần thiết; phân công lãnh đạo xuống địa bàn, trực tiếp ứng trực, chỉ đạo phòng, chống bão. Các địa phương từ tỉnh, thành phố đến cơ sở tiếp tục rà soát, triển khai ngay các công việc phòng, chống bão theo phương châm 4 tại chỗ.

“Cán bộ cấp tỉnh thì xuống huyện, cán bộ huyện thì xuống xã, cán bộ xã xuống thôn, bản để ứng trực, chỉ đạo,” Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, thông tin dự báo kịp thời, chính xác nhất có thể để chủ động phòng, chống bão; các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, bằng mọi phương tiện để người dân cập nhật tình hình bão lũ, hướng dẫn người dân kỹ năng phòng, chống, xử lý các tình huống do bão lũ gây nên.

Các đơn vị Công an, Quân đội, Biên phòng huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân di dời, thu hoạch hoa màu, thủy, hải sản; triển khai các biện pháp phòng, chống bão và bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ tài sản cho người dân.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong phòng, chống bão số 4 và mưa lũ sau bão; đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân; đảm bảo an toàn các cơ sở kinh tế-kỹ thuật;dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men... phục vụ người dân, đặc biệt tại các địa bàn có thể bị chia cắt do bão lũ.

Ban Chỉ đạo tiền phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc ứng phó và khắc phục hậu quả bão, lũ lụt. Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi, cập nhật diễn biến kịp thời để báo cáo Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm