Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Bình phước thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh, chính trị, quốc phòng của khu vực phía Nam và cả nước.
Trong những năm qua, từ xuất phát điểm rất thấp khi mới tái lập, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân có nhiều khởi sắc. Bình Phước đang nỗ lực phấn đấu vươn lên với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước sẽ tập trung thu hút những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; các dự án chế biến nông, lâm sản thuộc thế mạnh của địa phương như chế biến sản phẩm từ cao su, điều, tiêu, cây ăn trái; chế biến thực phẩm từ gia súc, gia cầm; các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ làm nguyên liệu đầu vào cho các dự án đầu tư tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đồng thời, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, thể dục thể thao. Hạn chế các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu và kiên quyết từ chối các dự án tác động xấu đến môi trường.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Bình Phước đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 315 triệu USD và 14 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 818 triệu USD. Tổng cộng đợt này trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 24 dự án, với số vốn 1 tỉ 133 triệu USD.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những nhà đầu tư đến Bình Phước hôm nay không nhất thiết phải là những người có tầm nhìn xa thì mới nhìn ra được những lợi thế của Bình Phước, một tỉnh nằm tiếp giáp 2 trong 3 góc nhọn của tam giác phát triển TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai; một tỉnh xung yếu ở vị trí yết hầu giữa Tây Nguyên và TP.HCM, có khả năng kết nối giao thông đến các cảng hàng không gồm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành và các cảng nước sâu Sài Gòn, Thị Vải, Đồng Nai…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành quả mà tỉnh Bình Phước đã đạt được trong xây dựng phát triển kinh tế tỉnh nhà. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành liên quan có mặt tại hội nghị cùng phối hợp với lãnh đạo tỉnh đề xuất Chính phủ có chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời giúp tỉnh đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Phước cần quan tâm nghiêm túc hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu, nhất là với những sản phẩm nổi tiếng của địa phương như cà phê, hạt điều. Phải ý thức về những lợi thế còn ở dạng tiềm năng như du lịch để có phương án thu hút đầu tư, biến tiềm năng thành hiện thực.