Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp… Đây được xem là sự kiện quan trọng nhằm kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Tiền Giang.
Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2020, tỉnh Tiền Giang sẽ trở thành một tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh và quốc phòng luôn bảo đảm.
Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh Tiền Giang có vị trí địa lý thuận lợi, nằm gần TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động được đầu tư đồng bộ, hạ tầng khu, cụm công nghiệp luôn sẵn sàng. Nguồn nhân lực dồi dào với trên 1,35 triệu người trong độ tuổi lao động, với chất lượng ngày càng được nâng cao.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Tiền Giang đã trao giấy chứng nhận chủ trương đầu tư và chủ trương nghiên cứu dự án cho 30 dự án tiêu biểu tỉnh đã thu hút được từ đầu năm 2018 đến nay với tổng vốn đầu tư 16.178 tỉ đồng; cùng 19 dự án mời gọi đầu tư với 16.300 tỉ đồng gồm nhiều lĩnh vực.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, danh mục dự án đầu tư được giới thiệu tại hội nghị là những dự án được tỉnh lựa chọn, xem xét kỹ, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi. Đặc biệt, trong mỗi dự án, tỉnh đều cung cấp thông tin chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể, giá đất, mặt bằng - vị trí dự án… để các nhà đầu tư tìm hiểu, tính toán và khi quyết định đầu tư có thể triển khai thực hiện ngay.
Theo ông Hưởng, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để thực hiện các cam kết xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hiệu quả, ổn định lâu dài, phát triển thịnh vượng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tiền Giang trong việc tổ chức tốt hội nghị, gọn nhẹ nhưng bài bản, hiệu quả cùng những nỗ lực của Tiền Giang để thay đổi hình ảnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều dự án, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những năm qua.
Đánh giá cao tiềm năng của Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tiền Giang cần nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng tầm vị thế và “phục hưng” lại thời thịnh vượng của Mỹ Tho đại phố nói riêng và Tiền Giang nói chung.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi vừa có tính gợi mở, nhưng cũng là thách thức cho Tiền Giang trong việc ổn định xã hội và phát triển có tính bền vững. Đó là việc xây dựng quỹ đất sạch, tăng cường đối thoại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, mời gọi doanh nghiệp xây dựng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Đặc biệt là phát huy lợi thế trái cây khi Tiền Giang được xem là “vương quốc” trái cây cả nước.