Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế

Đức Minh
24/12/2020 - 17:43
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 24/12 tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Hạnh

Năm 2020, mặc dù dịch bệnh, thiên tai liên tiếp nhưng kim ngạch xuất khẩu ngành Nông nghiệp vẫn đạt trên 41 tỷ USD. Vì thế, ngành Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 24/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà ngành Nông nghiệp đạt được trong năm nay. Theo Thủ tướng, năm 2020, bão chồng bão, lũ chồng lũ, đặc biệt là dịch Covid-19 nhưng Nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2020, GDP của Việt Nam tăng trưởng gần 3%, ở mức cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 41,2 tỷ USD (năm 2019 kim ngạch xuất khẩu ngành Nông nghiệp đạt 40,6 tỷ US), ngành Nông nghiệp đã có đóng góp quan trọng vào kết quả này. Ngành nông nghiệp đã duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo); thặng dư thương mại ước đạt 10,3 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hiện nay thế giới có xấp xỉ 1 tỷ người rơi vào cảnh đói nghèo. Còn tại Việt Nam, nhờ đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, không có tình trạng người dân bị đói, số hộ nghèo cả nước hiện chỉ còn 4,2%.

Thủ tướng đánh giá cao kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch, nước ta phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nhưng đến nay số xã đạt chuẩn nông thôn mới đã đạt 62%.

Cụ thể, hiện đã có 5.506 xã (bằng 62%), 173/664 huyện (bằng 26%) đạt chuẩn nông thôn mới. Đã có 12 tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hưng Yên đã được công nhận là tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 9 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển hạ tầng, kinh tế nông thôn. Thu nhập người dân ở nông thôn đã đạt 43 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn chỉ còn 4,2%.

Tăng trưởng ngành Nông nghiệp chưa thực sự bền vững

Dù đạt được nhiều kết quả nhưng theo Thủ tướng Chính phủ, tăng trưởng ngành Nông nghiệp chưa thực sự bền vững. Trong khi đó, thời tiết, khí hậu ngày một cực đoan, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta có kinh nghiệm ứng phó với thiên tai nên ngành Nông nghiệp cần có những giải pháp thiết thực, cụ thể để biến nguy thành cơ, đảm bảo ổn định sản xuất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế - Ảnh 2.

Ðường giao thông ở xã nông thôn mới Hải Quang, huyện Hải Hậu (Nam Ðịnh). Ảnh ST

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn. Chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, vùng miền còn lớn. Môi trường nông thôn nhiều nơi còn ô nhiễm từ vừa đến nặng. Bên cạnh đó, thu nhập người dân nông thôn thấp so với khu vực; tỷ lệ lao động nông thôn còn cao. Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp cần có giải pháp, phối hợp để hạn chế tồn tại trên.

Trong năm 2020, dự báo cung cầu của ngành Nông nghiệp còn hạn chế. Ví dụ như dự báo cung cầu thịt lợn trong 6 tháng đầu năm chưa chính xác. Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp cần có dự báo chính xác về cung cầu, đặc biệt là dịp Tết này để tránh tình trạng thiếu những thực phẩm thiết yếu, bị đẩy giá lên cao. Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp và các bộ, ngành liên quan đảm bảo an toàn thực phẩm, không để tình trạng giá thịt lợn tăng cao trong dịp Tết này. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục tìm thị trường để ổn định đầu ra cho nông sản, giúp người nông dân an tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm