Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD) dễ bị tổn thương do thiên tai nhất trên thế giới. 7/15 quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nhất nằm ở CA-TBD. Còn trên toàn thế giới, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em bị thương vong do thiên tai cao hơn 14 lần so với nam giới.
Đó là những số liệu được đưa ra trong Hội nghị khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về Giới và Giảm thiểu rủi ro thiên tai diễn ra trong 3 ngày từ 16 đến 18/5 tại Hà Nội. Hội nghị do Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức thu hút hơn 70 cán bộ cấp cao đại diện cho các Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia nghiên cứu từ 22 quốc gia cùng hơn 200 đại biểu đến từ các bộ ban ngành, các tổ chức trong và ngoài nước.
|
Quang cảnh hội nghị khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về Giới và Giảm thiểu rủi ro thiên tai |
Nhằm đảm bảo các quốc gia trong khu vực sẽ tập trung vào nâng cao năng lực và khả năng ứng phó, phục hồi và thích nghi của phụ nữ và nam giới trước, trong thời gian thiên tai xảy ra và biến đổi khí hậu tại cấp khu vực, quốc gia và địa phương, Hội nghị khu vực CA-TBD về Giới và Giảm thiểu rủi ro thiên tai tập trung vào nhận diện những ưu tiên quan trọng về bình đẳng giới và những hành động cần thiết mà các chính phủ và các đối tác phải làm trong quá trình triển khai Khung hành động Sendai. Hội nghị tập trung thảo luận những biện pháp cần thiết nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và khả năng lãnh đạo của phụ nữ trong 4 lĩnh vực ưu tiên gồm: Hiểu biết về rủi ro thiên tai; tăng cường quản trị rủi ro thiên tai; đầu tư vào ứng phó, phục hồi và thích nghi trong giảm thiểu rủi ro thiên tai; tăng cường công tác chuẩn bị cho ứng phó, phục hồi và tái thiết hiệu quả.
|
Bà Roberta Clarke - Giám đốc UN Women khu vực CA-TBD chia sẻ tại hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, bà Roberta Clarke - Giám đốc UN Women khu vực CA-TBD cho biết phụ nữ, trẻ em gái và người già chiếm 80% số người sống với dưới 2 USD/ngày ở châu Á. Trong thiên tai, phụ nữ và trẻ em gái chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những người tử vong. Phụ nữ và trẻ em gái chiếm 78% số người thiệt mạng trong trận sóng thần tại Ấn Độ Dương năm 2004 và 55% số người thiệt mạng trong 2 trận động đất ở Nepal tháng 4/2015. Hơn nữa, phụ nữ ở khu vực CA-TBD có quyền ra quyết định và quyền lực chính trị thấp nhất trên thế giới. Điều này hạn chế vai trò tác nhân của họ trong việc tác động đến các quá trình ra quyết định chính sách về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. nhấn mạnh rằng phụ nữ tại CA-TBD là những người có khả năng và năng lực. Tuy nhiên, theo bà Clarke, phụ nữ lại là chìa khóa cho việc giải quyết những rủi ro thiên tai và phát triển sinh kế cho bản thân và cộng đồng. Nếu thực hiện những ưu tiên về giảm thiểu rủi ro thiên tai tại khu vực, quốc gia và địa phương, cần tạo điều kiện để phụ nữ lãnh đạo, tiếng nói của họ được lắng nghe và những ưu tiên của họ được giải quyết.
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về |
Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai của Việt Nam Cao Đức Phát cho biết: “Thực tiễn công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam cho thấy phụ nữ chính là những người đầu tiên chuẩn bị cho cả gia đình ứng phó với thiên tai. Họ cũng là những người đầu tiên đưa cuộc sống của cộng đồng trở lại ổn định sau khi xảy ra thiên tai”. Bộ trưởng kêu gọi các quốc gia cùng chung tay để hiện thực hóa việc lồng ghép Giới vào Kế hoạch thực hiện Khung hành động Sendai .
Khung hành động Sendai (2015-2030) được thông qua tại Hội nghị Thế giới lần thứ ba về Giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Nhật Bản vào tháng 3/2015 đã chỉ rõ: “Khía cạnh về giới, tuổi tác, người khuyết tật và văn hóa phải được lồng ghép trong tất cả các chính sách và hoạt động thực tế, vai trò lãnh đạo của phụ nữ và thanh niên phải được thúc đẩy”. 1 năm sau khi được thông qua, các quốc gia trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương đang xây dựng chương trình hành động để thực hiện Khung hành động Sendai.