Thực hư cơ thể đầy... gạo khiến dư luận xôn xao

09/10/2016 - 18:54
Gần đây, dư luận xôn xao và chia sẻ các bức ảnh chụp X-quang một người có đầy gạo tại cơ, xương, khớp… được cho là chụp tại BV Đa khoa TƯ Thái Nguyên. Tuy nhiên, sự thật có như vậy?
Mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng chia sẻ các bức ảnh chụp X-quang rất khủng khiếp của một bệnh nhân nhiễm sán hình hạt gạo, khiến cơ thể đầy gạo. Theo đó, người chụp là một sinh viên trường Đại học Y Thái Nguyên, đang thực tập tại BV Đa khoa TƯ Thái Nguyên. Trên các bức ảnh X-quang là la liệt xác sán xơ mít có đầu vôi hóa hình như hạt gạo tại cơ, xương, khớp… với chú thích là hình ảnh được chụp tại BV Đa khoa TƯ Thái Nguyên.

Tuy nhiên, ngày 9/10, bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (BV Đa khoa TƯ Thái Nguyên) cho biết, thông tin đăng tải trên mạng xã hội thời gian qua là không chính xác.

Theo bác sĩ Giang, khi thông tin trên được chia sẻ trên mạng xã hội với chú thích ảnh chụp tại BV đa khoa TƯ Thái Nguyên, BV đã kiểm tra kỹ thấy không có bệnh nhân nào có phim chụp như vậy. Hơn nữa, trên tấm phim chụp cũng không có tên của BV. Vì vậy, BV đã mời sinh viên là chủ tài khoản Facebook đã đăng tải những hình ảnh trên tường trình. Qua trao đổi, em sinh viên cho biết hình ảnh trên lấy trên mạng, rồi đưa tên BV vào. BV đã nhắc nhở và yêu cầu em sinh viên gỡ bỏ những hình ảnh đã đăng tải trên mạng xã hội.  
14470612_1105696389465760_2288546623528936844_n.jpg
Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội được cho là sán bị vôi hóa
Cũng theo bác sĩ Giang, tuy hình ảnh trên không phải xảy ra tại BV Đa khoa TƯ Thái Nguyên, nhưng những trường hợp nhiễm sán phải điều trị tại BV khá nhiều. Trong đó, có một số trường hợp bị sán vôi hóa trên cơ, xương. Cách đây vài hôm, BV cũng tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị sán vôi hóa trên cơ và hình chụp X-quang cũng thấy nhiều hạt gạo trên cơ thể.

Bác sĩ Giang cho biết, có nhiều loại sán hay gây bệnh ở người nhưng chủ yếu vẫn là sán lá gan và sán xơ mít. Sán không lây trực tiếp từ người sang người mà qua ăn rau sống, gỏi sống, tiết canh hoặc không rửa tay trước khi ăn. Khi con người ăn phải thức ăn có trứng sán thì sẽ bị nhiễm ấu trùng sán. Nếu ăn phải ấu trùng sán, thì khi vào cơ thể, sán sẽ trưởng thành và ký sinh ở người trong cuộc.
14433181_1105696396132426_2794750264142429274_n.jpg
Sán vào cả các cơ
Khi trứng được nuốt vào dạ dày, các bào thai sán sẽ được giải phóng ở ruột non và xâm nhập qua thành ruột. Từ đó chúng theo đường máu đến các tổ chức khác khắp cơ thể và phát triển thành kén sán, sán. 

Nếu chúng di chuyển đến não, các nang sán còn sống sẽ rất dễ làm tắc cống não. Còn khi đã chết, xác sán cũng khiến bệnh nhân bị những cơn động kinh đặc biệt không theo chu kỳ. Trường hợp bị vôi hóa, sẽ xuất hiện hình hạt gạo như trên phim chụp.

Để phòng ngừa nhiễm ấu trùng sán, người dân không nên ăn đồ sống, tái mà cần thực hiện ăn chín, uống sôi. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi lao động hoặc sau khi tiếp xúc với dụng cụ lao động, môi trường. Khi phát hiện bị bệnh, cần đến các cơ sở y tế để điều trị triệt để.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm