Mới đây, trên mạng xã hội đưa thông tin về việc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cảnh báo ăn cá hồi nuôi quá 1 bữa/tháng có thể gây ung thư. Thông tin này cho rằng, cá hồi nuôi thường rất độc nên đã bị nhiều nước cấm dùng.
Về việc này, PNVN đã trao đổi với TS Lê Thanh Lựu, Trưởng ban Hợp tác quốc tế và thông tin, Hội Nghề cá Việt Nam, chuyên gia đầu ngành về cá nước lạnh để làm rõ.
Theo TS Lựu, ăn cá hồi gây ung thư là một thông tin bịa đặt, không chính xác, gây hoang mang dư luận. Bởi qua thông tin trên mạng, ông thấy thông tin chung chung, chưa có nguồn nghiên cứu và người nghiên cứu. “Nếu đúng là FPA cảnh báo, thì họ phải công bố nghiên cứu đó ở đâu, tác giả nào, nghiên cứu ra sao. Trường hợp có cấm, thì các nước châu Âu cũng cảnh báo rồi”, ông Lựu nói.
TS Lê Thanh Lựu |
TS Lựu cho biết thêm, các nước nuôi cá hồi đặt tiêu chuẩn rất cao về an toàn thực phẩm (ATTP) vì cá hồi nuôi hoàn toàn ăn thức ăn công nghiệp. Để nuôi cá hồi, các cơ sở nuôi phải đảm bảo rất nhiều tiêu chuẩn, cụ thể:
- Thứ nhất, về thức ăn: Các nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp phải đạt chứng chỉ quốc tế và được giám sát chặt chẽ trong quá trình chế biến. Trong công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi của các nước có loại bột xương thịt. Theo đó, khi mổ gia súc, gia cầm… bộ phận mà con người không ăn (nhiều nước không ăn xương, nội tạng, đầu) thì sẽ được đưa vào chế biến bột xương thịt và là một thành phần trong thức ăn chăn nuôi. Nhưng họ sẽ cho ăn chéo, ví như bột xương thịt lợn thì sẽ cho gà hoặc bò ăn hay cá ăn; bột xương thịt bò thì cho lợn ăn hoặc cá ăn… Nhưng bò, lợn, gà họ nuôi chất lượng rất cao, được kiểm soát rất chặt thông qua các công ty, trang trại và được thế giới thừa nhận.
- Thứ hai, về con giống: Giống cá nuôi là sống sạch bệnh, được chọn kỹ càng để đảm bảo trong cơ thể cá không mang bệnh.
- Thứ ba, cá hồi nuôi ở nước phải rất sạch. Cơ quan chức năng phải đánh giá tác động môi trường rất cẩn thận. Nếu cơ sở nuôi để ô nhiễm nguồn nước thì chính phủ sẽ phạt rất nặng, thậm chí đóng cửa.
Trước khi đưa cá thành phẩm ra thị trường, cơ quan chức năng còn phải đánh giá xem có đạt vệ sinh ATTP. Nếu đảm bảo, cá nuôi mới được đưa ra thị trường, nếu không đạt thì phải tiêu hủy. Như thế, môi trường trong sạch, được giám sát, cá sạch bệnh, thức ăn chế biển đạt tiêu chuẩn thì không thể nói cá hồi nuôi độc hại.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cá hồi có rất nhiều tác dụng tốt cho cơ thể, như giảm căng thẳng và trầm cảm; cải thiện tim mạch; tăng thị lực; bổ sung vitamin D… |
TS Lựu cũng cho rằng, cá hồi đang là một trong những thực phẩm tốt trên thế giới, đặc biệt các nước Âu, Mỹ họ chỉ ăn cá hồi nuôi. Vì để bảo vệ môi trường, người ta không khai thác, đánh bắt cá hồi trong tự nhiên, không khai thác tận diệt. “Thông tin ăn cá hồi nuôi độc hại là chưa có dữ liệu khoa học nào chứng minh nên người dân không nên quá lo lắng”, TS Lựu khẳng định.