pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thực phẩm quen thuộc này tuyệt đối đừng ngâm lâu, có thể dẫn tới tử vong
Vợ chồng người phụ nữ họ Vương, 57 tuổi ở Hàng Châu, Trung Quốc nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn, tiêu chảy, cơ thể có dấu hiệu sốc phản vệ. Tại phòng cấp cứu, bác sĩ kiểm tra thấy các chức năng gan thận suy giảm, cơ tim tổn thương, chức năng đông máu không bình thường, dấu hiệu sinh tồn kém. Sau thời gian nỗ lực cứu chữa, họ chỉ cứu sống được người chồng, người vợ đã qua đời.
Gia đình sau đó cho biết, người phụ nữ ngâm mộc nhĩ 2 ngày sau đó mới lấy ra chế biến món ăn. Bác sĩ chỉ ra, việc ngâm nấm quá lâu mới ăn rất nguy hiểm, bởi ngâm lâu có thể khiến vi khuẩn sinh sôi, sản sinh ra chất độc gây tử vong.
Mộc nhĩ không nên ngâm quá lâu (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ cấp cứu tại địa phương, bản thân mộc nhĩ - hay còn gọi là nấm tai mèo - không có độc tố, nhưng trong quá trình ngâm ủ sẽ sinh ra bào khuẩn Pseudomonas và từ đó sản sinh chất độc axit men gạo, cơ thể con người tiêu thụ 1 đến 1,5 mg chất này là tử vong.
Bác sĩ Liễu Bằng Trì, một bác sĩ gia đình tại Hàng Châu (Trung Quốc), cho biết vi khuẩn Pseudomonas là loại vi khuẩn rất phổ biến, thường xuất hiện, sinh sôi trong đất. Trong thực phẩm, nó có thể xuất hiện trong đồ ăn bị ẩm mốc. Nhiều ca bệnh từng ghi nhận việc ngộ độc do ăn ngô phơi nắng không cẩn thận, khiến ngô mốc, gây ra tình trạng ngộ độc tương tự.
Thông thường, nhiễm trùng do vi khuẩn có thể chỉ gây khó chịu ở đường tiêu hóa. Vụ ngộ độc thực phẩm này chủ yếu là do độc tố axit men gạo. Mì, bún và các thực phẩm lên men, ngâm nước lâu dễ nhiễm vi khuẩn pseudomonas cocotoxin và sinh ra chất độc axit men gạo. Chúng đều là những chất độc đã được chứng minh gây tổn thương nghiêm trọng cho gan, thận, tim, não. Chất độc này có thể gây ung thư khi tích tụ lâu ngày.
Món ăn từ mộc nhĩ giàu dinh dưỡng nhưng cần biết chế biến đúng (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Vương Luật Khải tại Bệnh viện Cơ đốc giáo Vân Lâm, Trung Quốc nói, mặc dù vi khuẩn Pseudomonas không chịu nhiệt, sẽ chết khi đun sôi, nhưng một khi thực phẩm đã sinh ra độc tố axit trong men gạo thì dù bạn nấu bằng cách nào, độc tố vẫn sẽ tồn tại, có có thể gây ngộ độc thực phẩm, nôn mửa, tiêu chảy và sốt trong trường hợp nhẹ, cũng như gây ra các bệnh về gan và thận, có thể gây tử vong trong trường hợp nặng.
Không ngâm thực phẩm khô quá 4 giờ
Bác sĩ Vương cho biết, ngoài mộc nhĩ, nấm hương, các loại nấm như nấm đông cô sau khi ngâm lâu sẽ có chất nhầy, nước ngâm sủi bọt. Trong khi đó, trong không khí có nhiều khuẩn lạc như tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)... Khi ngâm nấm quá lâu, những khuẩn lạc xâm nhập, có thể gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Vì vậy không nên ngâm quá 4 giờ. Thời tiết nóng ẩm càng khiến thực phẩm dễ bị hỏng, khi ngâm nên để trong tủ lạnh, tuy nhiên về cơ bản cũng không nên ngâm chúng quá lâu.
Với các thực phẩm khô cần mất vài giờ để ngâm mềm, bạn có thể dùng nước lạnh để ngâm, sau đó cho vào một chút muối, dùng nguyên lý áp suất thẩm thấu để ngâm thực phẩm trong khoảng một tiếng. Đừng nên ngâm quá lâu, thực phẩm sẽ dễ bị biến chất. Ngoài ra, khi sờ vào thực phẩm ngâm, bạn thấy dính hoặc có mảng nhầy lớn thì có nghĩa là nó đã hư hỏng, tốt nhất là vứt đi. Đối với những người có khả năng miễn dịch kém như tiểu đường và chức năng thận kém, đừng ăn cố mà rước bệnh vào thân.