Thực tế phũ phàng khi chỉ muốn ly hôn nhanh, không giải quyết vấn đề tài chính

Tô Diệp - Thiết kế: Minh Trang
26/02/2023 - 12:09
Ly hôn là tình huống gây căng thẳng cho vợ chồng và con cái. Giải quyết các vấn đề tài chính ra sao trong quá trình ly hôn cũng là câu chuyện rất phức tạp.

Khi giải quyết một vụ ly hôn, bạn thường lãng quên đến vấn đề chuẩn bị tài chính cho tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế, đối mặt với vấn đề liên quan đến tiền bạc giữa 2 vợ chồng cũng như lên kế hoạch tài chính là một trong những điều quan trọng nhất khi ly hôn.

Niv Persaud, nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận, nhà phân tích tài chính ly hôn cho biết: “Mọi người thường nói rằng: Tôi chỉ muốn ly hôn càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, ngay sau đó, những thực tế phũ phàng sẽ ập đến với bạn, đặc biệt trong câu chuyện tài chính". 

Persaud thấy rằng những người vợ hoặc chồng có thu nhập thấp hơn thường không biết và ngạc nhiên trước chi phí sinh hoạt thực sự. Ví dụ, nếu muốn giữ lại ngôi nhà, họ thường bỏ qua các khoản chi phí như bảo dưỡng nhà cửa hàng năm và thuế bất động sản.

Bên cạnh đó, việc không phân chia trách nhiệm tài chính sau ly hôn 1 cách rõ ràng có thể dẫn đến những rắc rối không đáng có. Các cặp vợ chồng cần phân chia tài sản, lên kế hoạch tài chính cho bản thân cũng như phân chia nhiệm vụ trong câu chuyện nuôi con cái để tránh những cuộc tranh cãi sau này.

Khi ly hôn cần giải quyết những vấn đề tiền bạc nào để tránh xung đột trong tương lai? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Freepik

Những vấn đề tài chính cần cân nhắc trong quá trình ly hôn

Đầu tiên hãy cân nhắc đến khoản nợ chung giữa 2 vợ chồng, chẳng hạn cùng mua những tài sản lớn như nhà cửa và ô tô dùng đòn bẩy tài chính. Hãy chắc chắn rằng bạn và vợ/ chồng hoàn tất việc ly hôn mà không còn khoản nợ chung nào, trong trường hợp này bạn có thể bán tài sản chung để trả nợ. 

Bên cạnh đó, nhiều người sẽ thường cùng nhau đứng tên trên sổ tiết kiệm hay góp vốn đầu tư, bạn cũng cần phải giải quyết chia phần trăm sao cho hợp lý với sự đóng góp của từng cá nhân. Nếu xử lý không khéo, có thể sẽ khiến một bên cảm thấy thua thiệt và những rắc rối trong tài chính có thể kéo dài đến rất lâu trong tương lai, thậm chí có thể là lúc 2 người bước vào 1 cuộc hôn nhân mới. 

Một trong những vấn đề cũng cần phải cân nhắc trong trường hợp đã có con đó là chu cấp cho con cái như thế nào. Trong một số gia đình, thu nhập của 2 vợ chồng có nhiều chênh lệch, hoặc thậm chí người vợ hoặc chồng sẽ không đi làm kiếm tiền mà toàn tâm toàn ý ở nhà để chăm sóc con cái. Khi ly hôn, con cái theo bố hoặc mẹ sẽ được tòa phân xử. Tuy nhiên vợ chồng cũng nên cân nhắc kỹ về việc chu cấp cho con cái hàng tháng tránh trường hợp để con thiếu thốn hoặc một người còn lại phải chịu hoàn toàn gánh nặng tài chính này. 

Nếu trong trường hợp tài chính gia đình chỉ có 1 người quán xuyến, hãy chắc chắn là cả 2 đã cùng nhau ngồi xuống và thảo luận về những chi phí trong gia đình để chắc chắn rằng không bối rối khi tách ra. Đặc biệt khi có 2 nguồn thu nhập và chi trả phí sinh hoạt sẽ khác hoàn toàn với việc chỉ còn 1 nguồn thu nhập. 

Điều quan trọng nhất trong quá trình thảo luận chính là lịch sự, bày tỏ sự thiện ý của mình và phân tích mọi thứ liên quan đến tiền bạc 1 cách rõ ràng. Bạn chắc hẳn sẽ không muốn mỗi tuần đều phải gọi hay gặp gỡ vợ hoặc chồng cũ chỉ để giải quyết những vấn đề tài chính còn tồn đọng. 

Khi ly hôn cần giải quyết những vấn đề tiền bạc nào để tránh xung đột trong tương lai? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ - Freepik

Thách thức tài chính sau khi ly hôn

Thông thường, sẽ có một người có thu nhập thấp hơn so với người còn lại, và nếu phải chăm sóc con cái, điều đó có thể ảnh hưởng, mất đi sự độc lập về tài chính. Bạn có thể bắt đầu thực hiện các bước để khắc phục tình trạng này trong quá trình ly hôn. Bước đầu tiên của bạn là mở tài khoản ngân hàng của riêng mình và bắt đầu gửi tiền vào đó. Ngoài ra, hãy xóa tên của bạn khỏi các tiện ích chung và các hóa đơn khác để không gặp khó khăn trong việc thanh toán chúng.

Mặc dù có thể khó kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng bạn có thể thực hiện các bước để kiềm chế chi tiêu của mình. Tạo một ngân sách. Nhìn vào những gì bạn đang chi tiêu và tìm cách cắt giảm. Đồng thời, đừng quên lên kế hoạch cho các chi phí như thuế và bảo hiểm y tế. 

Một trong những điều quan trọng hơn hết chính là tìm một ngôi nhà mới. Hãy tính toán đến thuế tài sản, bảo hiểm, tiện ích và bảo trì trong trường hợp muốn mua nhà. Nếu bạn có con, bạn có thể muốn mua một ngôi nhà gần trường học của chúng để ít nhất chúng có thể duy trình cuộc sống bình thường.

Mua nhà có thể khó khăn sau khi ly hôn, đặc biệt nếu thu nhập hoặc điểm tín dụng của bạn gặp chút khó khăn. Có thể tốt hơn hết là thuê nhà trong vài năm sau khi ly hôn để bạn có thể biết được mình muốn gì, trước khi sắm tài sản lớn chẳng hạn như một ngôi nhà. 

Nguồn: Theo unhappymarriage, investopedia
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm